Thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Người dân hưởng lợi

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/1/2021 | 7:54:24 AM

YênBái - Từ ngày 1/1/2021, quy định về thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực. Quy định này tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận các dịch vụ y tế. Người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên toàn quốc mà không cần giấy chuyển tuyến.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh.

Quyền lợi được mở rộng

Theo Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014, trước ngày 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới, thì được coi là đi KCB trái tuyến và chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng. 

Từ thời điểm 1/1/2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên toàn quốc. Dù thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng khi tự đến điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. 

Sự thuận lợi mà chính sách này mang lại tạo điều kiện cho người dân chủ động lựa chọn, tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh, đồng thời, cũng là động lực nâng cao chất lượng KCB tại tất cả các tuyến y tế. Có thể thấy, chính sách sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. 

Là một trong những bệnh nhân đầu tiên được hưởng quyền lợi khi thông tuyến tỉnh BHYT, ông Phạm Văn Vũ ở xã Phúc An, huyện Yên Bình phấn khởi khi không phải lo về chi phí nằm viện. Nhập viện trong tình trạng cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bản thân ông và gia đình chuẩn bị sẵn tâm lý phải cùng chi trả 40% như trước kia, thế nhưng khi nằm viện điều trị được các y, bác sĩ tư vấn, tuyên truyền về chính sách thông tuyến, ông Vũ đã yên tâm hơn trong việc điều trị tại đây. 

Ông Phạm Văn Vũ chia sẻ: "Nhờ có chính sách này mà chúng tôi không phải qua trung tâm y tế huyện để xin giấy chuyển viện nữa. Giờ lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, điều kiện chữa trị tốt hơn mà vẫn được thanh toán như đúng tuyến. Chúng tôi thật may khi được hưởng lợi từ chính sách”. 

Mấy ngày vừa qua, trời rét đậm, rét hại, ông Nguyễn Văn Huân ở thôn Khe Gạo, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên có triệu chứng ho, sốt, kém ngủ. Thấy người không được khỏe, ông Huân về thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám. 

Trước tình trạng bệnh, ông được nhân viên y tế hướng dẫn thủ tục nhập viện điều trị nội trú. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ông Huân đã biết được chính sách thông tuyến tỉnh KCB BHYT nên ông yên tâm nhập viện điều trị và được hưởng 100% chi phí điều trị người có công. 

Ông Huân chia sẻ: "Thẻ bảo hiểm của tôi đăng ký nơi KCB ban đầu ở Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, nhưng thấy bệnh có vẻ nặng nên tôi xuống thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám và điều trị vì bây giờ có xuống tỉnh tôi vẫn được thanh toán 100% chi phí điều trị”. Không chỉ riêng ông Vũ, ông Huân mà gần 900.000 người dân trên địa bàn tỉnh đều phấn khởi khi có chính sách này. Bởi, khi thẻ BHYT và đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc, người dân vẫn được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đúng tuyến.

Bệnh viện tuyến tỉnh sẽ quá tải?

Thực hiện thông tuyến KCB BHYT nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh. Song, quy định mới này cũng sẽ là thách thức đối với các bệnh viện tuyến tỉnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh phải tăng cường chất lượng KCB, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế, đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ để thu hút bệnh nhân. Cùng với đó là việc các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng "quá tải” khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng. 

Bà Trịnh Thị Thu Hoài - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh KCB BHYT, với tâm lý muốn lựa chọn nơi điều trị tốt hơn, người dân có thể đổ xô đến các bệnh viện tuyến tỉnh, vì vậy, Bệnh viện đã lên kế hoạch, phương án khi lượng bệnh nhân tăng đột biến. Cùng với đó, bệnh viện nâng cao chất lượng KCB cho người dân, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế”. 

Do thông tuyến tỉnh KCB BHYT chỉ áp dụng với các trường hợp điều trị nội trú, còn điều trị ngoại trú thì bệnh nhân vẫn phải tự chi trả 100% chi phí KCB, nên thông tuyến tỉnh KCB BHYT không chỉ xảy ra tình trạng "quá tải” tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà sẽ có tình trạng các bệnh viện chỉ định nội trú "ồ ạt” để tăng nguồn thu, dẫn đến chi phí y tế gia tăng tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. 

Việc đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú thuộc thẩm quyền của bệnh viện, dựa vào chỉ định của bác sĩ. Với quy định thông tuyến tỉnh có thể gia tăng chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú không cần thiết để được BHYT chi trả, lạm dụng chỉ định kỹ thuật...

 Ông Hoàng Văn Thủy - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: "Chúng tôi dự báo sau khi thông tuyến tỉnh, số chi KCB cũng gia tăng. Do đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHYT mới có hiệu lực, khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, đúng quy định. 

Đồng thời, đề nghị cơ sở KCB BHYT tuyến xã, tuyến huyện tiếp tục thực hiện KCB và chuyển người bệnh lên tuyến trên theo đúng quy định hiện hành. Sở Y tế, cơ sở KCB, cơ quan BHXH chủ động, tăng cường phối hợp trong quản lý, tổ chức KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT, nâng cao trách nhiệm của cơ sở KCB, cơ quan BHXH và người tham gia BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, đồng thời, sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả khi triển khai thực hiện quy định thông tuyến tỉnh”.

Áp dụng với bệnh viện cấp nào, ai được thanh toán 100% chi phí?

Do chưa hiểu đúng về các tuyến bệnh viện nên nhiều người dân nhầm tưởng chính sách thông tuyến tỉnh áp dụng cho tất cả các bệnh viện nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước. 

Do đó, nếu người bệnh tự đi KCB tại 39 bệnh viện thuộc tuyến Trung ương, thuộc Bộ Y tế, thuộc Bộ Quốc phòng như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện 108, Bệnh viện Quân y 103… thì chỉ được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú đang được áp dụng hiện nay. 

Tại Khoản 3, Điều 22, Luật BHYT 2008 sửa đổi bổ sung 2014 đã chỉ rõ: trường hợp người có thẻ  BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT toán theo mức hưởng khi đi KCB đúng tuyến với tỷ lệ như sau: tại bệnh viện tuyến tỉnh 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước từ 01/01/2021. 

Theo đó, người tham gia BHYT khi đi KCB trái tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước theo mức hưởng khi đi KCB đúng tuyến. 

Hiện nay, mức hưởng BHYT khi KCB đúng tuyến được quy định tại Điều 22, Luật BHYT 2008, sửa đổi 2014 như sau: 100% chi phí KCB đối với bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở… 95% chi phí KCB đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo… 80% chi phí KCB đối với những đối tượng khác. 

Từ ngày 01/01/2021, nếu người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh thuộc trường hợp trái tuyến thì đối tượng hưởng 100% chi chí, KCB đúng tuyến thì được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú. Đối tượng hưởng 95% chi chí KCB đúng tuyến thì được thanh toán 95% chi phí điều trị nội trú. 

Đối tượng hưởng 80% chi phí KCB đúng tuyến thì được thanh toán 80% chi phí điều trị nội trú. Như vậy, đối tượng đang hưởng ở mức hưởng nào thì sẽ được thanh toán điều trị nội trú khi đi KCB trái tuyến tỉnh đúng theo mức hưởng của mình. Chỉ những người được hưởng 100% chi phí KCB đúng tuyến mới được thanh toán toàn bộ chi phí điều trị nội trú trái tuyến tỉnh. 

Ông Hoàng Văn Thủy - Phó Giám đốc BHXH tỉnh:



Công văn 4055 của BHXH Việt Nam ban hành ngày 23/12/2020 quy định người bệnh điều trị nội trú trái tuyến tỉnh sẽ không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB để xem xét hưởng 100% chi phí KCB với người tham gia BHYT 5 năm liên tục. Phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. 

Để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, trong đó, có quyền lợi không phải đồng chi trả đối với các chi phí KCB, cơ quan BHXH khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, đúng quy định. 

Hồng Duyên

Tags Yên Bái bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế thông tuyến

Các tin khác

Kết thúc năm 2020, chỉ tiêu chuyển dịch từ nghề nông nghiệp sang phi nông nghiệp của huyện Lục Yên đạt 104,12% kế hoạch, tương đương 885 lao động được chuyển dịch, tăng 35 người so với kế hoạch.

Ngày 18/1, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 5 (mở rộng), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã kêu gọi ủng hộ Tết cho người nghèo. Ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ủng hộ tết cho người nghèo tại Hội nghị  (Ảnh: Thanh Chi)

Toàn tỉnh Yên Bái có 8.043 đối tượng người có công được nhận quà Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định các xã, thôn trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.

Hiện tượng sương mù tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục