"Trước đây phụ nữ sinh con thì sinh tại nhà, người ốm thì mời thầy mo, thầy cúng, bây giờ thì phải đến bệnh viện. Xuống bệnh viện được bác sĩ chăm sóc chu đáo nên rất yên tâm và mau lành bệnh” - bà Giàng Thị Dở ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chia sẻ vậy khi đến Trung tâm Y tế huyện nhà để điều trị nhiều chứng bệnh của tuổi già.
Cũng giống như phần lớn các bệnh nhân khác, bà Dở đã sớm lành bệnh và trở về nhà trong niềm vui của người thân. Nhận thức của bà Dở nói riêng và đồng bào vùng cao Yên Bái nói chung có những thay đổi như vậy là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.
Vừa học tập, nâng cao trình độ tay nghề, họ vừa bền bỉ gắn bó, tuyên truyền đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số những kiến thức về chăm sóc sức khỏe theo kiểu "mưa dầm thấm lâu”.
Bác sĩ Cứ A Hồng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã gắn bó với huyện vùng cao nghèo này gần 40 năm nay. Theo bác sĩ, để hoàn thành nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của người thầy thuốc là đến với bà con.
Ở Trung tâm Y tế huyện, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì các cán bộ, y, bác sĩ đều không quên sắp xếp thời gian để lặn lội lên các bản tuyên truyền nâng cao hiểu biết của đồng bào các dân tộc về phòng chống dịch bệnh, ăn chín uống sôi, vệ sinh nhà cửa, môi trường và nhất thiết phải đưa người ốm trong gia đình đến bệnh viện...
Bác sĩ Giàng A Dì - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu chia sẻ rằng, công tác ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số thì mỗi cán bộ, y, bác sĩ đều phải nắm rõ đặc điểm, tập quán sinh hoạt của đồng bào; thấu hiểu sự vất vả của bà con và hoàn cảnh của từng bệnh nhân để tư vấn, hướng dẫn, làm sao để người bệnh khi đến viện phải thực sự yên tâm điều trị. Đặc biệt, mọi thủ tục khi đến khám bệnh và điều trị phải dễ hiểu, dễ thực hiện đối với người dân.
Hiện nay, nhờ có bảo hiểm y tế nên người dân vùng cao cũng đỡ vất vả và yên tâm hơn khi đến bệnh viện. Anh Lò Văn Mạnh, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết: "Giờ đây, khi đi khám bệnh, chúng tôi được hướng dẫn làm nhanh, gọn các thủ tục để nhanh chóng vào điều trị, khám chữa bệnh, đồng thời được các bác sĩ hướng dẫn, chăm sóc tận tình và mỗi lần đi khám thì cũng giảm được rất nhiều chi phí”.
Để có được sự thay đổi trong cách nghĩ của đồng bào vùng cao về chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình thì yếu tố tiên quyết vẫn là công tác truyền thông. Bởi, khi người dân hiểu về mối nguy hiểm của bệnh tật thì ắt sẽ chủ động thực hiện.
Những năm qua, việc triển khai truyền thông được thực hiện rộng khắp từ tuyến tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản, bằng nhiều hình thức, từ truyền thông trực tiếp, truyền thông qua mạng xã hội, qua tranh ảnh, đến truyền thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng…
Nhiều cán bộ, y, bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tích cực học tiếng của người bản địa để có những tuyên truyền, giải thích bằng tiếng đồng bào giúp người dân dễ hiểu, dễ nắm bắt được những thông tin, thông điệp…
Ốm đau được khám chữa bệnh - người dân vùng cao Yên Bái hôm nay đang có điều kiện tốt để chăm sóc sức khỏe bản thân, từ đó yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng, quê hương ấm no, hạnh phúc hơn.
Thu Hạnh