Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái về cơ chế chính sách thu hút đặc thù cho cán bộ y tế

  • Cập nhật: Thứ bảy, 13/3/2021 | 10:18:30 AM

YênBái - Cử tri kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách thu hút đặc thù cho cán bộ y tế nói chung và cán bộ y tế công tác ở vùng sâu, vùng kinh tế xã hội khó khăn nói riêng (vì thời gian đào tạo cho cán bộ ngành Y tế dài hơn nhiều so với các ngành nghề khác để đảm bảo nâng cao đời sống sinh hoạt của cán bộ y tế). Đồng thời, thu hút các bác sỹ, cán bộ y tế có chuyên môn cao về làm việc lâu dài tại cơ sở y tế tuỵến huyện, tuyến xã. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế, nhất là đối với y tế cơ sở để làm tốt công tác khám chữa bệnh ngay từ cơ sở.

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. (Ảnh: BYB)
Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. (Ảnh: BYB)

1. Cơ chế chính sách thu hút đặc thù cho cán bộ y tế nói chung và cán bộ y tế công tác ở vùng sâu, vùng kinh tế xã hội khó khăn

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, ngoài các chế độ quy định chung đối với cán bộ, viên chức thì cán bộ, viên chức y tế đang được hưởng các loại phụ cấp: (1) Phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Nghị định số 56/2011/NE-CP ngày 04/7/2011 và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTTL-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP; (2) Chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ; (3) Chế độ phụ cấp đặc biệt theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ, chế độ phụ cấp chống dịch, chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Đối với cán bộ, viên chức y tế nói chung và nhân viên y tế cấp xã nói riêng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề y tế mức cao nhất 70% và các chế độ khác theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ.

Ngày 06/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476A/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW trong đó nêu rõ: "Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.

Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị của cử tri và nghiên cứu đưa vào báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách sách tiền lương khi xây dựng Báo cáo đề xuất thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 22/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh ngniệp và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27- NQ/TW.

2. Đầu tư cho y tế cơ sở được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và coi đây là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 có 24 bệnh viện huyện được tiếp tục đầu tư từ Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế địa phương với số vốn khoảng 240,5 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã quan tâm, đầu tư từ ngân sách địa phương. Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện được đầu tư đã có cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Đối với tuyến xã, một số địa phương đã quan tâm, đầu tư từ ngân sách địa phương, nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho trạm y tế xã. Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế triển khai một số dự án ODA để hỗ trợ đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn như: Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 vay vốn ADB đầu tư xây dựng mới, sửa chữa 58 trạm y tế xã cho 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắc Nông, Kon Tum); Bộ Y tế đã dành một phần ngân sách giai đoạn I của Chương trình hỗ trợ ngân sách ngành do EU viện trợ không hoàn lại để xây dụng mới, cải tạo, nâng cấp 91 trạm y tế xã khó khăn (khoảng 374 tỷ đồng), giai đoạn II dành khoảng 1.058 tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 288 trạm y tế xã khó khăn. Dự án Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống Y tế (HPET) có đào tạo, đầu tư một số trang thiết bị cho tuyến xã.

Hiện nay, Bộ Y tế đang bắt đầu triển khai Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, vay vốn Ngân hàng thế giới (WB) với tổng số vốn là 126,25 triệu USD để đầu tư cho 13 tình, trong đó có tỉnh Yên Bái. Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ ngành xây dựng các nội dung về y tế dân số trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dụng nông thôn mới cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở.

(Theo Cổng TTĐT Yên Bái)

Các tin khác
Cơ sở Cai nghiện ma túy Tiền Giang.

Trong giai đoạn 2016-2020 đã có 600 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương được cấp cho 38 tỉnh, thành phố để nâng cấp, sửa chữa cơ sở cai nghiện ma túy.

Cán bộ Trạm y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (Ảnh minh họa

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Thông tư số 30/2020 của Bộ Y tế.

Đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Huyện Mù Cang Chải hiện có tổng số 12.437 hộ với trên 65.430 nhân khẩu. Trong đó có 40.186 nhân khẩu trên 14 tuổi đủ điều kiện cấp thẻ căn cước công dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục