Dân tộc Xa Phó (còn có tên gọi khác là Phù Lá) là một dân tộc sinh sống lâu đời ở Việt Nam, sống rải rác ở một số tỉnh vùng núi Tây Bắc.
Tuy thuộc nhóm dân tộc rất ít người nhưng đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Xa Phó khá phong phú và có nhiều nét đặc trưng, độc đáo, ít bị pha trộn. Đó là những bộ trang phục truyền thống có điểm nhấn trong từng hoa văn, họa tiết, màu sắc trên váy áo; hay những điệu múa, điệu hát dân ca giản dị mà xao xuyến lòng người.
Ở xã Châu Quế Thượng, người Xa Phó được biết tới là dân tộc đầu tiên khai khẩn vùng đất này. Sau đó, đồng bào các dân tộc khác như người Tày, người Dao, người Mông… mới tới đây định cư và cùng chung sống qua bao đời. Vì vậy, khi nói tới Châu Quế Thượng là nói đến vùng đất văn hóa của người Xa Phó.
Những triền núi thấp, sườn đồi thoai thoải, vừa có thể trồng quế vừa có thể trỉa nương, làm vườn làm ruộng, là không gian sinh sống của đồng bào Xa Phó nơi đây. Với những đặc thù riêng về phong tục tập quán, lối sống, ngày nay, người Xa Phó vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống mang bản sắc của dân tộc mình.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh luôn cảm thấy tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc Xa Phó. Cây sáo cúc kẹ khèn ma nhí đã gắn bó, trở thành báu vật linh thiêng đối với bà Thanh. Tiếng sáo, tiếng khèn vang lên réo rắt, trong trẻo như tâm hồn người Xa Phó được bà dành nhiều tâm huyết để truyền dạy cho các thế hệ.
Nhiều năm, bà luôn đau đáu một nỗi niềm là được bảo tồn những nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, được có một không gian để mọi người có thể đến đây giao lưu, truyền dạy và giới thiệu với du khách và mọi người về truyền thống dân tộc mình.
Đến nay, mong muốn đó trở thành hiện thực với công trình nhà ở kết hợp phục vụ du lịch đã được xây dựng mới khang trang, sạch đẹp. Ngôi nhà xây dựng theo hình thức nhà sàn, kết cấu 5 gian, với tổng diện tích 180 m2 đã giúp bà Thanh có thể lưu giữ những nét văn hóa truyền thống quý báu đó.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh cho biết: "Với vai trò của nghệ nhân, tôi đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để truyền dạy cho các con, các cháu và thế hệ trẻ trong thôn, trong xã học cách thổi khèn ma nhí, thổi sáo cúc kẹ, hát các làn điệu dân ca và nhảy các điệu xoè truyền thống của người Xa Phó. Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được đầu tư xây dựng ngôi nhà sàn, tạo động lực cho tôi có thêm điều kiện để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của cha ông để truyền lại cho thế hệ mai sau”.
Cùng với công trình nhà ở kết hợp du lịch, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng quy mô nhà cấp 3, hình thức nhà sàn, tổng diện tích hơn 540 m2. Kiến trúc nhà gồm 7 gian cũng đã phát huy hiệu quả trong việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống dân tộc. Đây sẽ là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của đồng bào nơi đây như: biểu diễn văn nghệ, dạy chữ, dạy đan lát, dạy dệt, thêu truyền thống và trưng bày các sản phẩm văn hóa truyền thông của đồng bào dân tộc Xa Phó.
Trong khuôn viên sân nhà sinh hoạt cộng đồng, mỗi buổi chiều đều diễn ra các hoạt động giao lưu thể thao của người dân sau một ngày làm việc chăm chỉ. Ai cũng cảm thấy vui mừng, phấn khởi khi công trình được bàn giao đi vào sử dụng.
Thôn Ngòi Nhầy hiện có trên 150 hộ với trên 400 khẩu. Người đồng bào dân tộc Xa Phó chiếm trên 90% dân số. Do vậy, những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc được Đảng bộ và chính quyền xã chú trọng. Xã đã khôi phục các hoạt động dạy tiếng dân tộc, thành lập đội nghệ thuật với gần 30 người, duy trì các hoạt động dạy đan lát, thêu dệt truyền thống tại thôn.
Nếu như trước kia các hoạt động cộng đồng được tổ chức ở quy mô nhỏ, tự phát do gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất thì nay với các công trình bảo tồn làng truyền thống dân tộc Xa Phó được bàn giao và đưa vào sử dụng sẽ giúp cho người dân nơi đây có nơi sinh hoạt cộng đồng thuận lợi hơn.
Dự án công trình bảo tồn làng truyền thống dân tộc Xa Phó gồm có công trình nhà sinh hoạt cộng đồng và công trình nhà ở dân cư kết hợp phục vụ du lịch được đầu tư xây dựng mới. Tổng trị giá thực hiện dự án là 5 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Các công trình đảm bảo tính thẩm mỹ, tiêu chuẩn, phù hợp với đặc trưng văn hóa truyền thống.
Đồng chí Đặng Văn Lả - Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế Thượng cho biết: "Công trình nhà sinh hoạt cộng đồng không chỉ là nơi để duy trì, truyền dạy các nghề truyền thống và văn hóa dân gian cho các thế hệ mà đây là còn là nơi để người dân được nắm bắt thông tin các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kiến thức kinh tế - xã hội… Công trình hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là động lực để đồng bào Xa Phó nói riêng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Châu Quế Thượng nói chung có thêm điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.
Đầu tư cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt công trình bảo tồn làng truyền thống dân tộc Xa Phó sẽ tạo chuyển biến về đời sống văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đấu tranh bài trừ các tập quán lạc hậu. Qua đó tạo động lực để đồng bào Xa Phó nói riêng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Châu Quế Thượng nói chung góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thúc đẩy kinh tế - văn hoá xã hội địa phương phát triển.
Hồng Vân - Nguyễn Hà