Theo thống kê, rà soát, trên địa bàn Yên Bái hiện có hơn 21 cụm pano phục vụ nhiệm vụ chính trị có kích thước trên 40m2 đứng độc lập; 102 cụm pano có kích thước dưới 40m; 200 bảng quảng cáo trên 20m2 gắn trên các công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ; khoảng trên 10.000 biển hiệu, bảng quảng cáo dưới 20m2; trên 1.000 pano tuyên truyền gắn quảng cáo..
Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ sở vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng về số lượng cũng như năng lực thực hiện các công trình quảng cáo hiện đại, quy mô. Toàn tỉnh hiện có trên 60 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quảng cáo.
Hoạt động quảng cáo ngoài trời được thực hiện ở hầu hết các huyện, thành phố, tập trung chủ yếu ở những khu đông dân cư. Các bảng quảng cáo tấm lớn đứng độc lập thường tập trung dọc quốc lộ, tại thành phố Yên Bái và cửa ngõ trung tâm các huyện trong tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước (QLNN) hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành mang lại kết quả tích cực.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã chủ động thực hiện tốt các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động quảng cáo; chất lượng, hình thức các bảng, biển, băng rôn quảng cáo tốt, tính thẩm mỹ cao, góp phần tạo dựng cảnh quan, trật tự đô thị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các loại hình quảng cáo rao vặt gây phản cảm, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị đã giảm, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý đối với những hành vi vi phạm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác quản lý hoạt động quảng cáo...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động quảng cáo ngoài trời còn có một số tồn tại, hạn chế như: hoạt động quảng cáo ở một số nơi trên địa bàn tỉnh còn lộn xộn, thiếu quy chuẩn về kích thước; nhiều bảng quảng cáo, biển hiệu không đúng quy cách, hết hạn, rách, phai màu, đặt không đúng nơi quy định làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông; nội dung quảng cáo hàng hóa lẫn biển hiệu, biển hiệu sử dụng tiếng nước ngoài mà không có chữ tiếng Việt hoặc kích thước chữ nước ngoài bằng hoặc lớn hơn chữ tiếng Việt. Tình trạng rải tờ rơi trên đường phố; treo, dán, vẽ, viết quảng cáo rao vặt tại các bờ tường, cột điện, cây xanh, nơi công cộng vẫn diễn ra, gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật về quảng cáo của các tổ chức, cá nhân chưa nghiêm. Nhận thức về nhiệm vụ QLNN đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời của một số ngành và cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm QLNN theo quy định của pháp luật; việc thực thi các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động quảng cáo còn gặp khó khăn, vướng mắc chưa được quy định rõ trong Luật Quảng cáo và các văn bản pháp luật liên quan…
Ông Phùng Thế Hoàng - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Để tăng cường thực hiện hiệu quả QLNN đối với hoạt động quảng cáo, Sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động quảng cáo. Các địa phương tăng cường tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề, thường kỳ, đột xuất để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các phạm vi trong hoạt động quảng cáo; xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ thường xuyên giữa các ngành, các địa phương để nắm bắt kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động quảng cáo. Đầu tư mua sắm các trang thiết bị cần thiết, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm tra của đội liên ngành có hiệu quả, nhất là kiểm tra hoạt động quảng cáo trong tình hình mới hiện nay”.
Thu Hiền