Để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ khi mùa nắng nóng đang đến gần, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Kim Oanh - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh Yên Bái về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
PV: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng chí cho biết công tác kiểm tra, huấn luyện, tuyên truyền về PCCC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Thượng tá Nguyễn Kim Oanh: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trên địa bàn quản lý. Kiểm tra, đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh. Qua đó kịp thời phát hiện những tồn tại, vi phạm về PCCC triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục trong việc thực hiện các điều kiện an toàn PCCC của cơ sở.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn PCCC. Công tác kiểm tra phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC. Các trường hợp thiếu sót, mất an toàn phải được phát hiện và kiến nghị khắc phục kịp thời. Các hành vi vi phạm các quy định về PCCC phải được xử lý nghiêm, trường hợp vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn đơn vị kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động theo đúng quy định.
Năm 2020 vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã xử phạt vi phạm hành chính 96 tập thể, cá nhân với số tiền trên 260 triệu đồng.
Xác định được tính chất nguy hiểm nếu xảy ra cháy, nổ tại các cơ sở nguy cơ cháy, nổ cao, Phòng đặc biệt chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy ở các cơ sở này cũng như một số khu dân cư. Hằng năm, tổ chức gần 100 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH với trên 5.000 lượt người tham gia để nâng cao nhận thức cho người dân, nhân viên cơ sở và huấn luyện cách xử lý đám cháy, cứu nạn ban đầu cho các đội cơ sở.
Nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, đồng thời mở rộng và ngày càng đa dạng đối tượng tuyên truyền, tập trung vào các đối tượng tại cơ sở, lĩnh vực có nguy cơ cao và thường xuyên để xảy ra cháy, nổ. Duy trì thường xuyên công tác huấn luyện nghiệp vụ cho các lực lượng cơ sở, dân phòng. Qua đó góp phần nâng cao năng lực, nghiệp vụ trong công tác PCCC của các đội này, đảm bảo xử lý hiệu quả, chính xác các đám cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh.
PV: Đồng chí cho biết tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh trong những năm trở lại đây và đâu là nguyên nhân chính gây ra những vụ cháy, nổ?
Thượng tá Nguyễn Kim Oanh: Thời gian gần đây, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đơn vị chức năng tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh tuy đã từng bước được kiềm chế, nhưng hằng năm vẫn xảy ra các vụ cháy tại các khu dân cư tập trung, các cơ sở sản xuất và ở các địa bàn có rừng, gây thiệt hại về người và tài sản.
Năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ, trong đó 28 vụ cháy trong khu dân cư (cháy nhà dân 20 vụ) và 8 vụ cháy rừng; số vụ cháy giảm 35%. Các vụ cháy đã gây thiệt hại làm 3 người chết, bị thương 3 người; thiệt hại về tài sản trị giá 2,4 tỷ đồng và 13,4 ha rừng.
Nguyên nhân do chập điện 19 vụ, do sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 12 vụ, do các nguyên nhân khác 5 vụ. Trong 4 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, 2 nhà dân, 1 ki ốt chợ, 1 hạng mục phụ trợ cửa hàng xăng, dầu và 1 vụ cháy rừng diện tích 3,65 ha tại huyện Trạm Tấu; giá trị thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng. Từ các vụ cháy trên địa bàn thời gian qua, có thể thấy hầu hết nguyên nhân chính là do bất cẩn trong sử dụng điện, nguồn nhiệt.
Tăng cường trang thiết bị thực hiện tốt nhiệm vụ công tác PCCC, xử lý kịp thời, hiệu quả sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, hiện nay Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH được trang bị 14 xe ô tô phục vụ công tác PCCC, trong đó Đội thị xã Nghĩa Lộ 5 xe với 17 cán bộ, chiến sĩ; đội thành phố Yên Bái 9 xe với 29 cán bộ, chiến sĩ.
PV: Mùa nắng nóng năm nay đang đến gần, đồng chí có những khuyến cáo gì đến với người dân, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh để hạn chế tình trạng cháy, nổ xảy ra?
Thượng tá Nguyễn Kim Oanh: Để đảm bảo an toàn PCCC trong thời gian tới, đặc biệt trong mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện trong khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy xí nghiệp tăng đột biến, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh khuyến cáo các hộ gia đình, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn PCCC.
Không được dùng nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ. Cần lắp đặt các thiết bị bảo vệ điện có mức độ an toàn cao tự động ngắt điện chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn.
Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong một ổ cắm, không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm. Không được dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện, không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu móc điện tùy tiện tránh làm hở các mối nối dây điện.
Việc sử dụng dây dẫn điện phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, nên luồn dây điện trong những ống luồn chuyên dụng có khả năng chống cháy cao.
Không đi dây dẫn điện qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Khi sử dụng các thiết bị như bàn là, bếp điện, các thiết bị điện có gia nhiệt phải có người trông coi. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị bệnh tâm thần… sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.
Không để các chất dễ cháy như mút xốp, giấy, bông, vải, sợi… gần các thiết bị dụng cụ điện. Trước khi ra khỏi phòng phải đóng, ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Thường xuyên và định kỳ cần kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu mất an toàn về PCCC do điện và kịp thời khắc phục nhằm hạn chế các nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
Đối với nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy; không để nhiều đồ dùng dễ cháy gần nơi đun nấu. Trường hợp dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van gas. Đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi; trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu…
Bên cạnh sự chủ động phương án phòng ngừa cháy, nổ của lực lượng chức năng, khuyến cáo mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa hỏa hoạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, mỗi cơ quan, gia đình cần thiết bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, lối lên mái nhà; trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện PCCC để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thạch Phong (thực hiện)