Tuy nhiên, việc chất lượng các trang thiết bị phục vụ trẻ em tại các khu vui chơi này có đảm bảo an toàn hay không thì chính những cơ sở kinh doanh và ngay cả các bậc phụ huynh cũng chưa dám chắc và có phần chủ quan, coi nhẹ.
Chị B.N.P, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho con nhỏ 8 tuổi đến một khu vui chơi nằm ngay trên địa bàn trung tâm thành phố với rất nhiều trò chơi phổ biến như đu quay, nhà bóng, nhà phao, ống trượt, xúc cát hạt muồng… Vì có phần chủ quan nghĩ con đã lớn, có thể tự do chơi một mình tại đây nên chị P để con tự chơi còn mình ra ghế chờ ngoài hành lang ngồi làm việc. Chỉ ít phút sau, con trai chị chạy ra với vết thương đang chảy máu ở mặt.
Quá hoảng loạn, chị P vội dùng bông băng bịt vết thương lại cho con rồi đưa đi bệnh viện. Chỉ khi bình tĩnh hơn, chị P mới biết con trai chị đã bám lên một trụ đấm, trụ đấm đó treo không kiên cố nên đã rơi xuống làm con trai chị đập mặt vào cạnh sắc hình gỗ zích zắc bên dưới. Hậu quả, bé phải khâu 4 mũi tại đuôi lông mày bên phải.
Thực tế, các khu vui chơi hiện nay đều khai thác tối đa diện tích có thể nhằm tích hợp được nhiều trò chơi nên không gian chật chội, dễ gây va chạm trong quá trình vui chơi. Thêm vào đó, không khí ngột ngạt, tiếng ồn từ trò chơi, quạt gió, loa đài, nhạc quảng cáo công suất lớn, không phù hợp với môi trường vui chơi của trẻ nhỏ, nhất là lại tiếp xúc trong thời gian dài; nhiều thiết bị lâu không được đầu tư, thay thế cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Không chỉ thế, tại nhiều nơi, trang thiết bị, hệ thống dây điện sơ sài, không được che chắn kỹ; không có thiết bị phòng cháy chữa cháy, sơ cứu khi xảy ra tai nạn; chỉ bố trí nhân viên làm nhiệm vụ kiểm soát vé chứ không thực hiện nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn trẻ vui chơi để phát hiện, ngăn chặn các hành vi không an toàn của trẻ khi sử dụng đồ chơi và nhất là thực hiện cứu hộ khi xảy ra tình huống bất ngờ.
Tại khu vui chơi xúc cát (hạt muồng), trong lúc nô đùa, trẻ nhỏ thường rất hiếu động, vừa bốc, vừa tung hạt lên cao, các hạt nhỏ này rất dễ lọt vào mũi, tai người bên cạnh có thể gây hậu quả khôn lường. Đã có trường hợp trẻ bị các bệnh đường hô hấp, viêm nhiễm tai mũi, đau mắt sau khi tham gia trò chơi xúc cát bằng hạt muồng, cát công nghiệp. Chơi trong nhà, khu vui chơi là vậy, việc cho trẻ chơi tại các khu vui chơi tự phát ngoài trời cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Dạo quanh khu Quảng trường 19/8 vào chiều và tối, có nhiều loại hình dịch vụ vui chơi, như cho thuê xe môtô mini, ô tô điện, giày trượt patin, xe điện tự cân bằng… Không chỉ có thanh, thiếu niên sử dụng dịch vụ, ngay cả các em nhỏ độ tuổi từ 3 - 8 tuổi cũng được bố mẹ thuê xe cho chơi mà không lường trước được nguy hiểm luôn rình rập. Bởi đặc tính của các loại xe điện này có kích thước nhỏ, gọn, dễ điều khiển, nhưng tốc độ khá nhanh nên việc đâm đụng, té ngã là điều không tránh khỏi.
Việc các khu vui chơi tự phát nở rộ như hiện nay đã phần nào giải quyết tình trạng thiếu hụt sân chơi cho trẻ, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cần sự quan tâm từ nhiều phía. Trong đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động này thường xuyên; rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tại địa phương.
Đồng thời, kiểm tra, kịp thời phát hiện, có biện pháp khắc phục, kiên quyết xử lý các cơ sở có thiết bị không bảo đảm an toàn cho trẻ. Các bậc phụ huynh, cần trang bị kiến thức về an toàn khi cho trẻ vui chơi, chủ động tìm hiểu những cảnh báo đối với từng trò chơi để lựa chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của con mình; quan sát trẻ khi tham gia các trò chơi, không để con một mình trong lúc chơi để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra…
Mai Linh