Hàng năm, Phòng Dân tộc chủ động tham mưu giúp UBND huyện công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; xây dựng các kế hoạch, đề án, chính sách, chương trình dự án; kiểm tra việc thực hiện các chính sách; đề xuất các chủ trương, biện pháp để giải quyết các vấn đề về công tác giảm nghèo; phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai thực hiện các hợp phần dự án đầu tư theo nguyên tắc công khai, dân chủ…
Từ năm 2017 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn huyện đạt trên 104 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển trên 78 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 26 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng sau đầu tư gần 6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, huyện đã xây dựng mới 67 công trình gồm: 54 công trình kết cấu hạ tầng giao thông và 13 công trình nhà văn hóa với tổng vốn gần 50 tỷ đồng.
Một số công trình xây dựng mới như đường xã Minh Chuẩn; đường thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến; đường thôn 1, xã Khánh Hòa; đường thôn 3 đi thôn 4 xã Phúc Lợi; đường thôn Ro, xã Phan Thanh; cầu cứng thôn 5, xã Động Quan; cầu treo thôn Mường Thượng, xã Tô Mậu… Đánh giá về chất lượng các công trình qua kiểm tra, giám sát được đầu tư đều đúng tiến độ, chất lượng công trình đều đảm bảo.
Ông Nguyễn Viết Giang - Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: "Huyện có 15/24 xã, thị trấn và 15 thôn bản ĐBKK với 22 dân tộc chung sống. Những năm qua, được Nhà nước, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS, nhân dân rất phấn khởi vì được đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi… Từ đó, đã làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS của các xã đổi thay. Các công trình, dự án còn tạo thuận lợi cho người dân giao thương phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo…”.
Cùng với các dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thì các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cũng được đặc biệt quan tâm đầu tư với kinh phí bình quân 5 tỷ đồng/năm. Huyện triển khai các dự án như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; mua sắm trang thiết bị máy móc nông cụ sản xuất… với trên 5.000 lượt hộ/năm được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ.
Huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như vùng trồng cây ăn quả có múi trên 870 ha; vùng trồng tre măng 750 ha; vùng trồng quế 4.000 ha; vùng trồng lạc 1.000 ha; vùng lúa hàng hóa chất lượng cao trên 500 ha ở Mường Lai, Minh Xuân, Liễu Đô, Vĩnh Lạc...
Huyện ưu tiên, khuyến khích hỗ trợ thực hiện liên kết gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các nhãn hiệu tập thể có thế mạnh như cam sành, vịt bầu, gà thiến... Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất các loại thực phẩm sạch, an toàn. Hiện nay, giá trị kinh tế đất canh tác 3 vụ/năm của huyện đạt trung bình trên 120 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân thuộc hộ nghèo vùng ĐBKK còn được hưởng các chế độ, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tiền điện; trẻ em từ 3 - 5 tuổi thuộc vùng ĐBKK được hỗ trợ tiền ăn trưa, được cấp bù học phí; người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội…
Năm 2017, toàn huyện có 6.581 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 23,48% thì năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 1.712 hộ, chiếm tỷ lệ 5,9%. Một số xã có tỷ lệ giảm nghèo nhanh là Phan Thanh, Minh Chuẩn, Lâm Thượng, Khánh Thiện…
Ở vùng ĐBKK của Lục Yên hôm nay, đường giao thông nông thôn đến các xã, thôn bản khá thuận lợi, các công trình thủy lợi, trường lớp học, cơ sở y tế, nhà văn hóa thôn, được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để người DTTS khám chữa bệnh, để con em đồng bào được cắp sách đến trường. Đây là những điều kiện quan trọng để huyện Lục Yên tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Thạch Phong