Bước đầu, các hoạt động chính của ngành y tế khi triển khai thực hiện đô thị thông minh lĩnh vực y tế gồm hệ thống chỉ số y tế, dữ liệu y tế được cập nhật liên tục ở phòng điều hành đặt tại Sở Y tế phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, đóng góp cho dữ liệu chung của tỉnh; triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới một số bệnh viện trọng điểm được đầu tư hệ thống bệnh án điện tử và thanh toán được bảo hiểm y tế; triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trạm y tế xã, hồ sơ sức khỏe điện tử người dân; tạo lập môi trường tương tác giữa cơ quan y tế và người dân để phục vụ hiệu quả công tác y tế.
Bên cạnh đó, thực hiện hệ thống y tế thông minh giúp hệ thống hoá và định hướng phát triển chuyển đổi số cho phù hợp với yêu cầu chung của Bộ Y tế, tỉnh.
Đồng thời, xây dựng lộ trình, làm rõ và tách biệt 2 nhóm hoạt động theo thứ tự ưu tiên: nhóm hoạt động chuyển đổi số lĩnh vực y tế (nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng khám, chữa bệnh, giảm phiền hà người dân); nhóm hoạt động xây dựng y tế thông minh để tạo thêm tiện ích và tăng sự hài lòng của người dân; phân bổ nguồn lực hợp lý để xây dựng y tế thông minh.
Song song với đó, hệ thống y tế thông minh đã xác định lộ trình thực hiện cụ thể như xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, triển khai các ứng dụng sử dụng dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế; một số bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh thì triển khai bệnh án điện tử (EMR) và được thanh toán bảo hiểm y tế; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có phần mềm cảnh báo trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh; đối với trạm y tế triển khai phần mềm quản lý trạm y tế và quản lý sức khỏe người dân bằng hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR).
Có thể thấy, ứng dụng CNTT và cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan đơn vị y tế nâng cao năng lực quản lý điều hành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cung cấp các dịch vụ chất lượng và kịp thời phục vụ người dân.
Qua đó, tạo ra công cụ quản lý, điều hành dễ tiếp cận giúp cho việc lãnh đạo; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại các cấp trong lĩnh vực y tế. Hiện đại hóa hạ tầng CNTT để triển khai các ứng dụng CNTT giúp cho cán bộ y tế và bệnh nhân, từ đó nâng cao chất lượng y tế; tạo lập môi trường tương tác giữa cơ quan y tế và người dân để phục vụ hiệu quả công tác y tế.
Chính vì vậy, khi hệ thống y tế thông minh được đưa vào vận hành sẽ giúp người quản lý có cái nhìn tổng thể về lĩnh vực y tế của tỉnh, kiểm soát được tình hình và diễn biến của lĩnh vực y tế; đối với bác sĩ sẽ thuận tiện hơn trong việc khám, chữa bệnh, đơn giản hóa quy trình báo cáo, tăng cường sự tương tác với bệnh nhân; người dân, bệnh viện sẽ tiết kiệm được thời gian chờ khám khi mà các ứng dụng thông minh được cung cấp thông qua các thiết bị thông minh. Đối với cán bộ y tế, sẽ chủ động hơn để nâng cao chất lượng chẩn đoán, tiết kiệm được thời gian chuẩn bị và giải đáp mọi vấn đề của bệnh nhân được thấu đáo hơn.
Trần Minh