Để giải quyết hiệu quả vấn đề, cùng với công tác quy hoạch, xây dựng các phương án xử lý rác thải của các địa phương thì công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường cũng cần tiếp tục được quan tâm.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, toàn huyện Văn Yên phát sinh khoảng hơn 75 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). CTRSH chủ yếu là chất hữu cơ từ quá trình sơ chế biến, sử dụng thực phẩm của các hộ gia đình như: vỏ rau, củ, quả, xương, da, lông vật nuôi và thực phẩm, thức ăn thừa, hư hỏng...; chất thải vô cơ tái chế như các loại chai, lọ nhựa, lon, bàn ghế nhựa, giày, dép, chậu...; còn lại là chất thải vô cơ không tái chế như: thủy tinh, cao su, sành, sứ, túi nilon.
Trong đó, hiện phần lớn CTRSH ở thị trấn Mậu A và các khu trung tâm xã nơi đông dân cư tập trung đã được thu gom và xử lý bằng cách đốt, chôn lấp. Theo thống kê, ở 25 xã, thị trấn, hiện tại huyện đã có 12 bãi rác. Khó khăn của huyện là địa bàn rộng nên các bãi rác trên chưa bao phủ được hết.
Ngoài ra, là huyện miền núi, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt nên mỗi năm phát sinh lượng lớn chất thải chăn nuôi cũng như các loại bao bì, chai, lọ hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón.
Đối với chất thải chăn nuôi, ngoài các hộ đã đầu tư hầm biogas tận dụng làm khí đốt thì phần lớn người dân chăn nuôi đều có hố chứa ủ phân. Còn rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, phần lớn các địa phương đã làm tốt công tác thu gom và xây dựng các hố rác xử lý các loại bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số nơi, người dân chưa tự giác thu gom bao bì sau khi sử dụng.
Để đảm bảo tiêu chí số 17 về môi trường, hoàn thành mục tiêu năm 2025 về đích huyện nông thôn mới theo lộ trình, Văn Yên đã chú trọng xây dựng kế hoạch thu gom và xử lý CTRSH theo công nghệ hiện đại. Hiện nay, Đội vệ sinh môi trường đô thị thị trấn Mậu A với 17 thành viên thực hiện thu gom, vận chuyển trên 10 tấn rác thải/ngày, chiếm trên 14% tổng lượng CTRSH toàn huyện.
Ngoài ra, các xã: Châu Quế Hạ, Đông An, An Thịnh, Đông Cuông... thì chính quyền địa phương đã cùng với nhân dân thành lập các tổ, đội thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho người dân tại các khu dân cư tập trung đông. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn quy hoạch bãi rác, khu tập kết xử lý rác thải phù hợp, thuận tiện giao thông, đi đôi trang bị xe chở rác, dụng cụ, bảo hộ lao động... cho các tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải.
Cùng với thu gom rác tập trung, thực hiện Đề án quản lý CTRSH tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2030, huyện đã đề xuất các dự án xử lý CTRSH trên địa bàn huyện. Giai đoạn 2020 - 2025 sẽ đầu tư xây dựng lò đốt CTRSH tại xã Đông Cuông, xử lý rác cụm các xã: Mậu Đông, Đông Cuông, An Bình, Quang Minh; lò đốt CTRSH tại xã An Thịnh xử lý rác của thị trấn Mậu A và cụm các xã: An Thịnh, Yên Thái, Ngòi A, Đại Phác, Đại Sơn, Mỏ Vàng; lò đốt CTRSH tại xã Đông An xử lý rác cụm các xã: Đông An, Tân Hợp, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm, Lâm Giang. Giai đoạn 2025 - 2030 sẽ đầu tư xây dựng lò đốt CTRSH tại xã Yên Hợp để xử lý rác cụm các xã: Viễn Sơn, Xuân Ái, Yên Hợp, Yên Phú. Đây là điều kiện thuận lợi để công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện đảm bảo tiêu chuẩn.
Với mục tiêu vì một môi trường xanh, sạch, đẹp, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền người dân nâng cao ý thức về việc thu gom, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định và chủ động, tự giác bảo vệ môi trường. Các ban, ngành, đoàn thể, thôn, tổ dân phố cần bổ sung, đưa thêm vào quy chế, quy ước, hương ước tạo sự ràng buộc giữa các quyền lợi, nghĩa vụ xã hội với bảo vệ môi trường, gắn kết trách nhiệm đến từng hộ, cá nhân với phương châm "mỗi người dân là một giám sát viên” để cùng chung tay bảo vệ môi trường.
A Mua