Là tỉnh có mức sinh còn cao - 2,74 con/phụ nữ, tỉnh Yên Bái đang thực hiện nhiệm vụ kép trong công tác dân số, đó là vừa phải thực hiện các nhiệm vụ của dân số và phát triển, vừa phải nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm sinh nhanh, đưa mức sinh của toàn tỉnh về mức sinh thay thế.
Theo Kế hoạch 163 ngày 4/8/2020 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tổng tỷ suất sinh xuống dưới 2,3 con/phụ nữ; đến năm 2030 đạt 2,15 con/phụ nữ.
Để đạt mục tiêu này, công tác KHHGĐ tiếp tục được đẩy mạnh với việc tăng cường tuyên truyền, lồng ghép các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)/KHHGĐ đến các vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn.
Hàng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã đảm bảo cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) miễn phí đúng đối tượng sử dụng ở cơ sở; đồng thời cập nhật thường xuyên PTTT miễn phí hàng tháng trên phần mềm Lmis đầy đủ theo số lượng thực tế.
Yên Bái là tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, còn nhiều hủ tục lạc hậu, nhận thức của người dân về công tác dân số -KHHGĐ còn hạn chế nên công tác truyền thông được tổ chức thường xuyên với các chiến dịch tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ tại 80 xã vùng III.
Từ chiến dịch năm 2020, đã có 17 xã tổ chức mít tinh, hội nghị, lễ phát động; tổ chức 69 buổi nói chuyện chuyên đề với trên 3.000 người được tuyên truyền; truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh xã; 898 buổi sinh hoạt nhóm; 6.500 lượt truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình; cấp phát 7.300 tờ rơi, sách nhỏ, tài liệu khác... Ngành dân số đã thực hiện được 49 ca triệt sản nữ, 3.480 ca đặt vòng, 1.638 ca thuốc tiêm, đạt 105% kế hoạch.
Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ mục tiêu y tế dân số bị cắt giảm. Dịch vụ miễn phí chỉ còn được cung cấp ở 80 xã vùng III theo quy định tại Nghị quyết 25/2015 HĐND, Nghị quyết 40/2017/NQ-HĐND phê duyệt Đề án về công tác dân số - KHHGĐ giai đoạn 2016 - 2020. Bởi vậy, hoạt động tiếp thị xã hội, xã hội hóa PTTT và hàng hóa SKSS được quan tâm.
Với hoạt động này, 4.750 vỉ thuốc tránh thai, 8.900 bao cao su đã được cung cấp cho các đối tượng trong năm 2020. Ngành dân số cũng đã tổ chức 3 hội nghị đẩy mạnh tiếp thị xã hội, xã hội hóa PTTT và hàng hóa SKSS cho 129 người; tổ chức tập huấn cho 76 cán bộ làm công tác dân số từ cấp tỉnh đến cơ sở về kỹ năng truyền thông, dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, phân phối sản phẩm xã hội hóa PTTT và hàng hóa SKSS.
Cùng với đó, Hội KHHGĐ phối hợp tổ chức tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS cho 1.334 lượt; duy trì 24 buổi sinh hoạt tại 4 câu lạc bộ giáo dục tình dục toàn diện, sức khỏe vị thành niên tại 4 trường phổ thông trung học và trung học cơ sở.
Với sự nỗ lực của ngành dân số, hết năm 2020, đã có trên 57.000 người mới thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có 50.000 người tự nguyện sử dụng dịch vụ, nâng tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại lên 70,2%. Mới đây, tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 102 thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030.
Với mục tiêu bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện có chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, chương trình sẽ góp phần từng bước thực hiện mục tiêu Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng của tỉnh.
Hoài Anh