Bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành và phát triển phụ thuộc vào đặc điểm tộc người, điều kiện lịch sử, tự nhiên, môi trường cư trú, thể chế chính trị cũng như sự giao lưu với các nền văn hóa khác.
Nói đến văn hóa là nói đến dân tộc đã sáng tạo ra nền văn hóa đó, bản sắc văn hóa cũng chính là bản sắc văn hóa của dân tộc ấy. Mỗi dân tộc qua quá trình hình thành và phát triển đều có những bản sắc riêng. Không nằm ngoài quy luật đó, 30 dân tộc anh em trên mảnh đất Yên Bái anh hùng đều mang những bản sắc văn hóa riêng.
Đó là vùng đồng bào Tày ở Yên Bình, Lục Yên; vùng đồng bào Dao ở Văn Yên; vùng đồng bào Thái ở khu vực cánh đồng Mường Lò - Nghĩa Lộ, Văn Chấn; vùng đồng bào Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải…
Trong quá trình hội nhập và phát triển, đặc biệt là sự giao thoa của các nền văn hóa, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều giải pháp nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII), bản thân mỗi dân tộc cũng tự ý thức bảo vệ những nét văn hóa, những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, tiêu biểu phải kể tới đồng bào Dao, Mông, Thái, Xa Phó…
Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, cụ thể như làm lệch lạc chuẩn mực đạo đức, làm mai một những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc và "Thương nhớ áo chàm” có lẽ chỉ là một lời thốt lên trong luyến tiếc của một người con đồng bào Tày đi xa trở về quê đúng dịp lễ, tết mà không thấy bóng áo chàm của các cô thôn nữ.
Hiểu được những giá trị của bản sắc văn hóa, đặc biệt là sức mạnh văn hóa trong quá trình phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu phát huy bản sắc văn hóa gắn với xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo sức mạnh nội sinh cho sự nghiệp đổi mới và phát triển. Như vậy, bản sắc con người Yên Bái không chỉ là mục tiêu mà còn là giải pháp để Yên Bái đổi mới, phát triển.
Nói như vậy là bởi Đảng bộ tỉnh đã đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố con người Yên Bái trong giai đoạn mới - là sự chuẩn bị tích cực và chủ động nhất nguồn nhân lực cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH.
Xây dựng hình ảnh con người Yên Bái với những phẩm chất tốt đẹp "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” cũng chính là làm cho người dân Yên Bái trở nên phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, đạo đức, thể chất, tâm hồn, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; làm cho người dân Yên Bái có hiểu biết sâu sắc, tự hào về truyền thống và văn hoá của các dân tộc trong tỉnh.
Những năm qua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành một trong những phong trào phát triển mạnh nhất ở hầu khắp các khu dân cư; song hành với nhiều phong trào khác như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới…
Trở về từ Hoa Kỳ sau 10 năm học tập và công tác, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Cảnh - một người con của quê hương Yên Bái đã thốt lên: "Yên Bái mình phát triển nhanh quá, tôi bất ngờ vì đường làng rực rỡ hoa, nhà văn hóa thôn thu hút nhiều người đến chơi bóng chuyền và ca hát; ở thành phố, thị xã, chiều nào cũng thấy đông người tập thể dục, nhất là những nơi chính quyền cho lắp đặt các bộ tập thể dục ngoài trời. Hạnh phúc đơn giản là thế, giá trị của hạnh phúc không dễ gì đem ra so sánh được!”.
Trao đổi với báo chí mới đây, đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: "Một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh Yên Bái sẽ triển khai tới đây chính là tăng cường triển khai các hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, nhất là các giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Khuyến khích, hỗ trợ người dân phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh tới du khách, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa; xây dựng phim bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống để làm tài liệu tuyên truyền, lưu giữ cho thế hệ sau. Tôn vinh, hỗ trợ kịp thời các nghệ nhân tham gia truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng, tạo nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc”.
Song song với nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc đầu tư các thiết chế văn hóa, khuyến khích xây dựng các phong trào, tạo điều kiện để hình thành và phát triển các tour du lịch cộng đồng, hỗ trợ các nghệ nhân dân gian hay cùng với các giải pháp như tuyên truyền, giáo dục, mỗi người dân cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hình thành, lưu giữ và phát huy những phẩm chất tốt đẹp "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Lê Phiên