Nhà máy gia công Giấy xuất khẩu Nguyễn Phúc, thuộc Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái có 4 tổ công đoàn với 135 đoàn viên. Do đặc thù công việc sản xuất, kinh doanh, đội ngũ cán bộ công đoàn của Nhà máy có lúc còn khó khăn trong việc tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng do công đoàn các cấp tổ chức.
Nắm bắt được thực trạng này, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp mở một số lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ CĐCS Nhà máy, Công ty, lồng ghép với các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người lao động (NLĐ). Qua đó, đội ngũ cán bộ công đoàn của Nhà máy ngày càng có bản lĩnh vững vàng, có uy tín, khả năng đoàn kết, tập hợp NLĐ và được NLĐ tín nhiệm.
Ông Nguyễn Đức Quang - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy gia công Giấy xuất khẩu Nguyễn Phúc cho biết: "Cán bộ công đoàn Nhà máy luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Công đoàn đã trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động trong xây dựng thỏa ước lao động tập thể, các nội dung của bản thỏa ước lao động tập thể như: tiền lương, thưởng tháng lương thứ 13; chất lượng bữa ăn ca, thống nhất ngày chi trả lương cho NLĐ; hỗ trợ xăng xe... giúp NLĐ yên tâm làm việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị”.
LĐLĐ tỉnh hiện có trên 42.000 đoàn viên công đoàn đang sinh hoạt tại 1.005 CĐCS, trong đó khu vực hành chính sự nghiệp Nhà nước có 770, khu vực doanh nghiệp 205 CĐCS. Cán bộ CĐCS có 2.828 người; trong đó: trình độ về chuyên môn nghiệp vụ từ đại học trở lên đạt 60%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 58%, với bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực công tác, nhiệt tình, tâm huyết...
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số CĐCS, tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp, hoạt động kém hiệu quả, chưa khẳng định rõ vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn, chưa bảo vệ và chăm lo tốt việc làm, đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên.
Nguyên nhân chính do đội ngũ cán bộ CĐCS hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, luân chuyển, thay đổi vị trí công việc; cán bộ CĐCS còn bị chi phối, phụ thuộc vào người sử dụng lao động, dẫn đến tâm lý e ngại, không dám đứng ra đấu tranh bảo vệ khi NLĐ cần…
Một số cán bộ CĐCS chưa tự tin, thiếu bản lĩnh để trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động trong xây dựng thỏa ước lao động tập thể, yêu cầu chủ doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật lao động đối với NLĐ, thiếu phương pháp, kỹ năng trong việc tuyên truyền vận động công nhân viên chức lao động…
Có thể khẳng định, việc tập trung "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS” sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn.
Ông Nguyễn Chương Phát, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: "Để triển khai hiệu quả chủ đề của năm, LĐLĐ tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thường xuyên kiện toàn, sắp xếp hệ thống tổ chức công đoàn, kịp thời kiện toàn bổ sung ban chấp hành, ủy ban kiểm tra, các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra CĐCS, nâng cao hiệu quả hoạt động cán bộ CĐCS. Căn cứ các quy định đã ban hành về đánh giá cán bộ để đánh giá đúng thực chất về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công đoàn; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của CĐCS cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng chỉ đạo CĐCS huy động nguồn lực để tổ chức các hoạt động công đoàn, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ CĐCS”.
Thu Hiền