Việc xác định nguyên nhân cái chết của 8 con hổ này vẫn đang được các bên điều tra và chưa có kết quả công bố chính thức. Tuy nhiên, đứng trên góc độ bảo tồn khi tham khảo ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm từ thú y cho đến cứu hộ, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) cùng Cứu Trợ Hoang Dã (WildAid Việt Nam) cho biết, qua hình ảnh, video cung cấp bởi báo chí cho thấy, hổ thu giữ từ vụ án có trọng lượng từ 200 - 265 kg, thừa quá nhiều cân so với tiêu chuẩn. Bởi cân nặng trung bình cho hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) là từ 100 - 195 kg.
Bên cạnh đó, 17 con hổ được nuôi trái phép trong chuồng ở tầng hầm có không gian nhỏ hẹp. Trong đó, 14 con hổ được nuôi trong chuồng có tổng diện tích 80 m2 (5,7 m2/cá thể), 3 hổ được nuôi trong chuồng tổng diện tích 120 m2 (khoảng 40 m2/cá thể). Thế nhưng, nếu hổ được nuôi đúng cách thì ở Hiệp hội sở thú và thủy cung AZA khuyến cáo, khu bán tự nhiên của một cá thể hổ cần tối thiểu 12 m rộng x 12 m sâu, kích thước tăng thêm 50% nếu có thêm 1 cá thể, cần đảm bảo các yếu tố ánh sáng tự nhiên đầy đủ, nước uống, có cây cối, bóng râm v.v... Như vậy có thể thấy, hổ tại Nghệ An đã được nuôi nhốt trong điều kiện vô cùng tồi tệ.
Đồng thời, vì hổ là loài hoạt động đơn độc, ý thức lãnh thổ cao, việc nuôi nhốt chung các cá thể khác, nhốt nhiều cá thể trong một không gian hẹp khiến chúng có thể ngửi/ nhìn thấy nhau mà không được có các tác động vật lý cũng là một nguyên nhân khiến hổ bị căng thẳng, v.v…
Do đó, CHANGE và WildAid Việt Nam đã chia sẻ việc 8 con hổ chết đến từ 1 hoặc nhiều nguyên nhân dưới đây:
Thứ nhất, có thể trước khi 17 con hổ này được giải cứu, người bán đã có ý định bán đi các con hổ này nên trước đó, họ đã nhồi nước hoặc các thực phẩm khác nhau vào trong cơ thể nhằm tăng kích trọng, tăng giá trị giao dịch trái phép mang đi bán lại hoặc nấu cao. Đã từng có những cuộc giải cứu trước đây cho thấy, nhiều trường hợp đưa về trung tâm cứu hộ không thể ăn uống gì, vài ngày sau tử vong. Khi khám nghiệm, mổ ra cho thấy trong xác hổ bấy giờ toàn nước và thực phẩm không tiêu được, cơ quan nội tạng đã hỏng hết, mắc chứng béo phì, tim cũng có vấn đề. Mọi người cũng có thể dễ dàng thấy qua hình và video báo chí, 17 con hổ này có cơ thể và trọng lượng rất lớn, thậm chí có còn có sự mô tả "mập như heo”, không nhiều con có khả năng đi lại bình thường, thường trong trạng thái nằm mệt mỏi.
Các vấn đề về sức khỏe của hổ nuôi nhốt đều có liên quan đến chế độ dinh dưỡng của hổ. Hổ nuôi nhốt thường xuyên bị béo phì, bệnh răng miệng, mất cân bằng Can-xi (Calci) hoặc Phốt-pho (Phospho) dẫn đến các bệnh về xương khớp, nền chuồng không phù hợp dẫn đến các bệnh về nệm, móng chân, các hội chứng bệnh về đường tiết niệu trên họ nhà mèo như tắc nghẽn niệu quản và niệu đạo. Ngoài ra, hổ cũng có thể bị bệnh thận, phổ biến nhất là viêm thận kẽ mạn tính. Hổ cũng mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về gan. Những điều này chủ yếu là do chế độ ăn, sự căng thẳng kéo dài.
Thứ 2, quá trình gây mê có thể là một trong những nguyên nhân có thể tính đến. Ví dụ, gây mê trong khi không cân được trọng lượng; hoặc dù biết được trọng lượng rõ ràng nhưng bắt buộc lực lượng chức năng ngay tại thời điểm đó phải tiêm liều vượt quá số ký để đảm bảo quá trình cứu hộ chuyển giao được diễn ra an toàn, không gây hại cho người dân nếu bất chợt hổ tỉnh dậy. Nhưng khi đánh đổi điều này, dễ dẫn đến việc hổ bị sốc do quá liều dẫn đến tử vong. Gây mê là quá trình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hổ, cần được theo dõi sát sao trong suốt quá trình gây mê, nếu có bất cứ biến chứng nào phải có sự can thiệp kịp thời.
Thứ 3, thời gian chuẩn bị và cách thức vận chuyển cũng là nguyên nhân. Có thể vì tính chất hành động bắt gọn và thu giữ diễn ra quá nhanh, sao cho các đối tượng vi phạm trở tay không kịp, điều này vô tình dẫn đến các cơ quan khác nhau không thể chuẩn bị chu toàn hoặc còn thiếu kinh nghiệm chuẩn bị, dẫn đến thiếu vật tư, xe cộ vận chuyển, chuyên gia có kinh nghiệm đi cùng. Hổ là động vật hằng nhiệt, do đó nếu thời điểm vận chuyển hổ rơi vào lúc nóng đỉnh điểm, kèm nhiệt độ tích tụ trên thùng xe khi tấm bạt phủ tăng lên, hoặc còn do dùng phủ miếng che đầu khiến hổ đang trong trạng thái bị gây mê sẽ không thể tự làm hạ nhiệt cơ thể qua việc hô hấp bình thường, khó thở, điều này cũng có thể góp phần vào nguyên nhân gây tử vong đáng tiếc.
Thứ 4, cơ sở tiếp nhận không đủ thiết bị y tế và chuyên gia có kinh nghiệm khám chữa cho hổ sau cứu hộ. Việc cứu hộ và chữa trị cho hổ sau cứu hộ là việc hết sức khó khăn, không phải bên nào cũng có đủ điều kiện thực hiện. Bởi sau gây mê và tỉnh dậy ở nơi lạ, hổ có thể bị stress, bỏ ăn, dư chấn sau vận chuyển, gây mê v.v… rất dễ dẫn đến tình trạng suy kiệt rồi chết. Do đó, rất cần lực lượng nhân sự giàu kinh nghiệm chăm sóc, túc trực kiểm tra 24/7. Như mọi người có thể thấy, nơi tiếp nhận là Khu du lịch sinh thái Mường Thanh (xã Diễn Lâm, H.Diễn Châu) chứ không phải là trung tâm cứu hộ, chưa rõ khả năng cứu hộ và thú y như thế nào. Tuy nhiên, không thể quy trách nhiệm hết về nơi đây bởi họ cũng chỉ là nơi hỗ trợ lực lượng chức năng thu nhận cứu hộ trong thời gian cấp bách này.
Với những nguyên nhân trên, CHANGE và WildAid Việt Nam khuyến nghị cộng đồng mạng không nên chỉ trích và đưa ra những vấn đề chưa biết rõ nguyên nhân, đánh đồng tất cả các tổ chức cứu hộ trong vấn đề trên, ảnh hưởng đến các công sức mà các tổ chức bảo tồn hiện đã và đang thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, tuyệt đối không mua, sử dụng trái phép các sản phẩm từ hổ hay bất kỳ loài động vật hoang dã khác. Việc mua, sử dụng sẽ vô tình làm tiền đề cho nạn buôn lậu, mua bán, săn bắt trái phép diễn ra càng phức tạp hơn, gây khó khăn hơn cho lực lượng chức năng truy lùng và xử lý tang vật lẫn cứu hộ. Chưa kể, sẽ còn dẫn đến tình trạng các con vật bị nuôi nhốt và chết cực kỳ thương tâm bởi mắc các bệnh khác nhau.
Điển hình nhất có thể nhắc đến vụ việc 7 cá thể hổ con trong vụ bắt giữ vận chuyển trái phép vào ngày 1/8 cũng tại Nghệ An vừa qua. 7 cá thể hổ con này đang được chăm sóc tại trung tâm cứu hộ của tổ chức Save Vietnam’s Wildlife (SVW). Các cá thể này đều còn rất nhỏ, khoảng 1-1,5 tháng và cần được uống sữa 6 lần/ngày. Vậy nên, cứ đều đặn sau 4 tiếng mọi người trong nhóm chăm sóc và thú y lại cho hổ con uống 100 ml sữa. Trung bình một ngày, 7 cá thể hổ con uống hết 1 kg sữa bột, tương đương với mức chi phí là 50 đô la Mỹ, khoảng gần 1.200.000 VNĐ tiền sữa.
(Theo Tin tức)