Ở lĩnh vực giáo dục, sẽ tác động đến các chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK theo Nghị định số 116 của Chính phủ, chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non, chế độ hỗ trợ giáo viên mầm non theo Nghị định số 105, chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định số 86 và Nghị định số 145 của Chính phủ, chính sách đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú… với tổng số 286 trường và trên 19.000 học sinh bị tác động.
Đối với chính sách về BHYT, theo số liệu tổng hợp của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, sau khi thực hiện Quyết định số 861, có trên 144.300 người không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT, tương ứng với số kinh phí giảm trên 58 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh giảm còn 81,5% (kế hoạch năm 2021 của tỉnh, tỷ lệ này là trên 96,5%).
Tác động thực tế này là một trong những vấn đề được quan tâm, bàn bạc kỹ lưỡng tại Kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh khóa XIX vừa qua. Đại biểu Triệu Thị Bình - Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh đặt vấn đề: "Nhiều học sinh người DTTS sống tại những thôn, bản cách xa trường học trên 10 km, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, rét. Thực tế đó rất có thể sẽ làm giảm tỷ lệ chuyên cần trên lớp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục dân tộc và công tác phổ cập giáo dục ở địa bàn vùng sâu, xa của tỉnh”.
Theo đó, đại biểu Triệu Thị Bình đề nghị với UBND tỉnh rà soát cụ thể và có giải pháp đối với đối tượng còn quá khó khăn sau khi địa bàn cư trú ra khỏi diện ĐBKK theo các quyết định của Trung ương, đặc biệt là đối với những học sinh có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhà ở quá xa trường học và những hộ không có điều kiện tự mua được thẻ BHYT, để duy trì sĩ số và chất lượng giáo dục cũng như công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng DTTS&MN trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, các cấp tuyên truyền sâu rộng về các tiêu chí của xã, thôn bản ĐBKK; về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 giúp người dân nắm rõ chính sách và cùng đồng thuận thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh đề xuất một số giải pháp: Trước hết, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với nỗ lực, trách nhiệm cao nhất, tất cả vì quyền lợi của người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Phát huy vai trò, tính chủ động của các tổ chức đoàn thể, hội, của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng; thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để nắm bắt, tuyên truyền, giải thích đúng, đầy đủ nội dung chính sách đến các hộ gia đình và người dân chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh chính sách. Tiếp tục nắm bắt, phản ánh tâm trạng dư luận xã hội, nhất là những thông tin trái chiều để kịp thời tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục, tránh để người dân bức xúc vì thiếu thông tin…
Để đảm bảo chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT, đề nghị các địa phương chủ động rà soát, giao chỉ tiêu cụ thể về số người tham gia BHYT tới từng thôn, bản, tổ dân phố, vận động người dân tiếp tục, chủ động mua BHYT hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT được liên tục và quyền lợi khi khám, chữa bệnh, hạn chế nguy cơ tái nghèo nếu bị ốm đau, bệnh tật.
BHXH tỉnh tiếp tục tham mưu đề xuất BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các gói ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích các gia đình tham gia BHYT với hình thức thuận tiện, chi phí phù hợp điều kiện kinh tế, thu nhập của hộ gia đình.
Để đảm bảo chế độ chính sách cho học sinh, đề nghị các địa phương rà soát, chủ động huy động các nguồn lực và có giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với những gia đình khó khăn thực sự, học sinh gặp khó khăn khi không được hưởng chính sách bán trú.
Huy động, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thực hiện các hoạt động ủng hộ, trao tặng quà từ thiện, quà an sinh xã hội. Một giải pháp nữa hết sức quan trọng là chú trọng xây dựng nông thôn mới theo hướng thực chất, hiệu quả để người dân được hưởng thành quả thật, không còn phải băn khoăn, lo lắng.
Tiếp tục huy động lồng ghép, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, chú trọng làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, mở rộng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn chịu tác động bởi chính sách mới.
Về phía UBND tỉnh, sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo Chính phủ và sẽ nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ các đối tượng khó khăn phù hợp với các quy định hiện hành và khả năng nguồn lực của tỉnh.
Phát biểu đề cập đến việc Trung ương ban hành các văn bản mới, trong đó có Quyết định số 861 và Quyết định số 433 tại Kỳ họp này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nêu rõ: "Việc thực hiện Quyết định 861 là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm, quyết liệt, "không nói khó” mà phải tìm giải pháp để hoàn thành bằng được, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "nghĩ thật - nói thật - làm thật - hiệu quả thật - để nhân dân được hưởng thành quả thật”, hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thực chất, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân”.
Hạnh Quyên