Những năm 2010 trở về trước, công tác điều tra, phổ cập giáo dục tại 4 thôn đồng bào Mông là: Khe Tiến, Khe Ron, Hồng Lâu, Khuân Bổ rất vất vả. Hầu hết các bố mẹ đều không nhớ ngày, tháng, năm sinh, thậm chí là tên của con mình nên khi đi điều tra các thầy, cô giáo chỉ quan sát chiều cao, cân nặng kết hợp với sự nhớ mang máng từ người nhà để đưa trẻ ra lớp. Vì vậy rất nhiều trường hợp trẻ ra lớp muộn có khi đến 2, 3 năm.
Thầy giáo Liễu Anh Cường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS số 2 Hồng Ca cho biết: "Những năm trước, công tác điều tra phổ cập gặp nhiều khó khăn. Giáo viên phải đến từng hộ gia đình rồi tự mình dựa theo kinh nghiệm để xác định độ tuổi cho các em. Việc tảo hôn vẫn còn, việc khai sinh nếu có thì thường là ông, bà đi khai sinh cho cháu dưới hình thức là con của mình”.
Theo Luật pháp, giấy khai sinh là căn cứ đầu tiên, là cơ sở pháp lý tin cậy nhất của công dân. Đặc biệt là khi làm các giấy tờ khác liên quan đến quyền lợi của bản thân như học tập, công tác, đăng ký hộ khẩu, căn cước công dân... Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi năm 2004) được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI, Điều 11 quy định rõ: "Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”.
Tuy nhiên, những năm trước, do trình độ dân trí thấp, tình trạng tảo hôn còn diễn ra công tác tuyên truyền còn chưa sâu, rộng... nên trẻ khi sinh ra không được làm giấy khai sinh diễn ra phổ biến đã gây khó khăn trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội và hoạch định trong phát triển kinh tế - xã hội tại Hồng Ca.
Khắc phục tình trạng này, từ năm 2010 trở lại đây, bình quân mỗi năm xã Hồng Ca tổ chức 2 đợt, mỗi đợt từ 5-7 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trọng tâm là việc phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các quyền của trẻ em, nhất là quyền được khai sinh... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc khai sinh cho trẻ.
Đã từng có 9 năm làm công tác hộ tịch tại địa phương, ông Nguyễn Thành Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: "Muốn làm thay đổi nhận thức của đồng bào, chúng tôi phải tích cực đi cơ sở để tìm hiểu phong tục tập quán, chia sẻ những công việc, câu chuyện để vận động đồng bào thay đổi nhận thức. Cùng với đó, mỗi năm xã tổ chức ít nhất 2 lần làm giấy khai sinh lưu động cho trẻ em ở từng thôn bản vùng đồng bào dân tộc Mông”.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên ý thức người dân được nâng lên. Chỉ trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, toàn xã có 158 trẻ sinh ra, trong đó có 75 trẻ ở 4 thôn người Mông đều được bố, mẹ làm giấy khai sinh đầy đủ, đúng thời gian.
Anh Vừ A Dơ ở thôn Khe Tiến chia sẻ: "Được cán bộ tuyên truyền mà cũng rút kinh nghiệm từ bản thân mình ngày xưa đến khi đi học chuyên nghiệp mới làm giấy khai sinh nên khi vợ tôi sinh con được vài ngày là tôi lên xã làm giấy khai sinh cho con luôn. Nhờ đó, trong 4 năm qua con tôi luôn được cán bộ báo đi tiêm chủng đầy đủ”.
Anh Cháng A Lồng - Trưởng thôn Hồng Lâu cho biết: "Tuyên truyền nhiều thì dân cũng thấm, cũng nhận ra tầm quan trọng của việc khai sinh cho con. Vì vậy, 100% số trẻ em trong thôn khi sinh ra đều được bố mẹ đăng ký khai sinh đúng thời hạn”.
Sự vào cuộc tích cực của chính quyền xã, Ban công tác Mặt trận các thôn trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian qua đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Đến nay, Hồng Ca đã chấm dứt được việc "sinh không khai”, góp phần để địa phương hoạch định các chính sách phát triển toàn diện cho trẻ em, cũng như xây dựng Hồng Ca phát triển bền vững.
Hồng Duyên