Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 6 tổ chức hành nghề công chứng gồm 2 phòng công chứng (1 ở thành phố Yên Bái, 1 ở thị xã Nghĩa Lộ) và 4 văn phòng công chứng (2 ở thành phố Yên Bái, 1 ở huyện Yên Bình và 1 ở huyện Lục Yên) với 10 công chứng viên.
Với phương châm hoạt động "thuận lợi, chính xác, bảo mật", đáp ứng nhu cầu giao dịch và công chứng của người dân, đến nay, đội ngũ công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ. Tại các tổ chức hành nghề công chứng đều thực hiện nghiêm quy định niêm yết đầy đủ quy định hồ sơ yêu cầu công chứng; công khai, minh bạch mức thu phí công chứng để khách hàng có thể thuận lợi trong thực hiện giao dịch cũng như theo dõi, giám sát, đánh giá.
Trong trường hợp khách hàng đến giao dịch không hiểu rõ về các quy định của Nhà nước, các nhân viên đều hướng dẫn, giải đáp tận tình và không nhận bất cứ khoản tiền bồi dưỡng nào ngoài tiền phí công chứng đã niêm yết công khai.
Để tạo điều kiện cho khách hàng, các tổ chức hành nghề công chứng còn thực hiện hỗ trợ khách hàng trong soạn thảo, chỉnh sửa văn bản, thực hiện dịch vụ công chứng tại nhà; miễn, giảm phí soạn thảo văn bản cho người nghèo và một số đối tượng chính sách; chủ động thông tin, tuyên truyền, tư vấn về những quy định của pháp luật cho các tổ chức và cá nhân.
Theo Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch như: công chứng hợp đồng mua bán, vay, mượn, thế chấp, cầm cố tài sản; chuyển nhượng, tặng cho nhà ở và quyền sử dụng đất; di chúc, khai nhận di sản, thỏa thuận phân chia di sản, từ chối nhận di sản, nhận lưu giữ di chúc; hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền; chứng thực bản sao các loại giấy tờ... 6 tháng đầu năm 2021, các tổ chức hành nghề công chứng trong tỉnh đã thực hiện công chứng 9.878 hợp đồng, giao dịch, thu phí trên 3 tỷ đồng; chứng thực 47.123 bản sao, thu phí trên 326 triệu đồng.
Anh Đặng Hồng Phong - người dân phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái bày tỏ: "So với trước đây, tôi thấy hoạt động công chứng, chứng thực tại các văn phòng công chứng đã tốt hơn rất nhiều. Các công chứng viên đều rất tận tình, chu đáo, hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc cho khách hàng; đồng thời, giúp khách hàng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nhanh gọn, kịp thời, tiết kiệm thời gian, công sức”.
Có thể thấy, sự đổi mới và xã hội hóa trong hoạt động công chứng đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động công chứng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật, nhất là trong trình trạng công nghệ làm giả các văn bản, giấy tờ ngày càng được các đối tượng thực hiện tinh vi.
Do đó, để góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, hạn chế rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp; phòng ngừa vi phạm pháp luật; hướng các doanh nghiệp, tổ chức, công dân khi thực hiện các giao dịch tuân thủ đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng, thời gian tới, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục nâng cao kỷ luật hành nghề công chứng; đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chuyên môn, thái độ phục vụ đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Cùng với đó, các địa phương, ngành liên quan cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm hơn khi tham gia thực hiện các giao dịch.
Hồng Oanh