Năm 2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 28 ngày 24/2/2021 về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch cho huyện Mù Cang Chải như: khuyến khích hội viên phụ nữ khai hoang ruộng bậc thang góp phần vào Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo để phát triển du lịch...
Tranh thủ các nguồn lực, cơ hội đó, Hội LHPN huyện Mù Cang Chải đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động, truyền cảm hứng cho hội viên tham gia phát triển về du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, văn hóa ẩm thực của dân tộc mình. Hội cũng tổ chức tập huấn hoặc cử chị em đi học tập thực tế tại các địa phương có mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả, chuyên nghiệp để học hỏi...
Sự quan tâm, thúc đẩy của tổ chức Hội đã khơi dậy tinh thần, khát vọng vươn lên của nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn. Đến nay, đã có nhiều chị em mạnh dạn chuyển từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt sang mô hình nhà nghỉ cộng đồng.
Nhiều homestay do hội viên phụ nữ làm chủ bước đầu đã có kết quả và thu nhập tương đối ổn định như homestay của gia đình chị Lương Thị Pỏm, tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải; chị Vàng Thị Panh, chị Hà Thị Địa xã Cao Phạ...
Trong đó, chị Vàng Thị Lỳ ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn là người rất mạnh dạn trong đầu tư làm du lịch cộng đồng. "Mong muốn vươn lên và được Hội Phụ nữ xã tư vấn, hỗ trợ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi và chồng đã mạnh dạn mở một homestay với tên là "Hello Mù Cang Chải”. Dù có nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã khẳng định một hướng đi đúng” - chị Vàng Thị Lỳ chia sẻ.
Đến nay, chị Lỳ cùng chồng không những có homestay với 5 phòng đôi, 8 phòng riêng mà còn mở thành công một văn phòng tour tại trung tâm huyện, thiết kế và vận hành 15 tour du lịch trong huyện, đặc biệt là mở và vận hành thành công tour leo núi tháp trời nối liền giữa thung lũng Cao Phạ và La Pán Tẩn.
Vợ chồng chị cũng đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 2 lao động thời vụ; giúp đỡ, hướng dẫn 7 người trở thành hướng dẫn viên du lịch địa phương; liên kết với 13 người làm xe ôm, 14 hộ mở thành công tour du lịch leo núi tháp trời cũng như liên kết với nhiều công ty du lịch để quảng bá về homestay của gia đình và du lịch địa phương.
Năm 2019, homestay "Helo Mù Cang Chải” đã đón khoảng 800 du khách trong nước và quốc tế đến lưu trú, ăn nghỉ; doanh thu trên 280 triệu đồng.
Mong muốn giúp nhiều chị em phụ nữ có khát vọng khởi nghiệp, làm giàu chính đáng, chị Lỳ còn tích cực tuyên truyền, vận động, chia sẻ với chị em trong xã và các xã bạn về phát triển du lịch; cùng chồng liên kết với một số hộ gia đình làm các sản phẩm thổ cẩm cho khách du lịch, tổ chức thành công cho khách du lịch trải nghiệm cuộc sống của người Mông bản địa.
Theo chị Sùng Thị Mỷ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải, đến nay, nhiều homestay do phụ nữ làm chủ đã giúp gia đình thoát nghèo bền vững. Hội sẽ tiếp tục tăng cường vận động hội viên phụ nữ tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của huyện vào phát triển du lịch; nghiên cứu, tổ chức các lớp học tiếng Anh, tiếng Trung cho hội viên để có thể giao tiếp được với du khách.
Đồng thời, tranh thủ các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ và nhân dân, thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Mù Cang Chải; tham gia rà soát, xây dựng mới, tôn tạo các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để phục vụ cho phát triển du lịch; khuyến khích các tập thể, cá nhân có sáng kiến, kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn để giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, nhằm nâng cao chất lượng du lịch huyện Mù Cang Chải...
Thu Hạnh