Năm nay là năm thứ 13 Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng hưởng ứng Ngày "Thế giới rửa tay với xà phòng”, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giữ cho đôi tay luôn sạch là biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái, năm học 2021- 2022 có tổng số trên 850 học sinh. Bắt đầu năm học mới là thời điểm giao mùa thu đông, thời tiết thất thường lúc nóng, lúc lạnh thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển và lây lan. Để phòng tránh các bệnh thường gặp vào mùa thu đông như: tay - chân - miệng và một số bệnh truyền nhiễm cho học sinh, ngay từ đầu năm học nhà trường đã làm vệ sinh trường, lớp học, tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, đồng thời, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa đẩy mạnh tuyên truyền để học sinh thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo đủ dinh dưỡng và nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Trong đó, nhà trường đã đặt các điểm rửa tay có nước sạch, xà phòng trong khuôn viên để trước khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh các em rửa tay sát khuẩn… Làm tốt công tác vệ sinh và chăm sóc sức khỏe nên các em học sinh đảm bảo sức khỏe, sĩ số chuyên cần của Trường luôn đạt cao. Không chỉ Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái mà hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe, bố trí các điểm rửa tay, cung cấp nước sạch cho học sinh.
Bàn tay là một trong những con đường phổ biến nhất để vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác. Bàn tay tiếp xúc với rất nhiều các vật dụng hàng ngày, có hàng nghìn vi khuẩn trên da mà mắt thường không nhìn thấy được đặc biệt là ở lòng bàn tay, kẽ tay, móng tay...
Tại Yên Bái, từ đầu năm đến nay, số ca mắc một số bệnh lây nhiễm như: bệnh sởi trên 300 ca, tay - chân - miệng 200 ca; tiêu chảy 3.000 ca, cúm mùa gần 8.000 ca, tập trung nhiều tại các xã của huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn…; đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em. Rửa tay là một việc làm nhỏ, nhưng rửa tay đúng cách là vô cùng quan trọng để phòng ngừa dịch bệnh.
Dù vậy, không ít người chỉ dùng một lượng xà phòng nhỏ hoặc không dùng xà phòng, sau đó rửa nhanh lại với nước sạch, do đó, mầm bệnh vẫn chưa được rửa sạch và trong quá trình hoạt động, giao tiếp hàng ngày, bàn tay có thể mang vô số mầm bệnh sẽ vô tình phát tán cho những người xung quanh, hoặc đưa vào cơ thể của chính chúng ta.
Để phòng chống các bệnh lây nhiễm, theo Tổ chức Y tế Thế giới, rửa tay với xà phòng tại 5 thời điểm quan trọng trong ngày: sau khi sử dụng nhà vệ sinh; sau khi sinh hoạt hoặc chơi đùa ngoài trời; sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh như thay quần áo, tã lót, chăm sóc vệ sinh...; sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay; trước khi vào bữa ăn, trước khi chế biến thức ăn cho gia đình, sẽ làm giảm tới 35% nguy cơ lây truyền các bệnh tiêu chảy, giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 - 45% ở trẻ em và phòng ngừa rất hiệu quả bệnh tay - chân - miệng…
Việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và làm sạch hoàn toàn với nước sạch sẽ giúp loại bỏ nhiều bụi bẩn, loại bỏ được các vi trùng, vi khuẩn và các loại mầm bệnh, từ đó có thể giúp mỗi người hạn chế lây lan các vi khuẩn, vi rút từ người khác sang mình và ngược lại. Vì vậy, mỗi người hãy tạo cho mình thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để ngăn ngừa sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh. Những hành vi quen thuộc của nhiều người như đưa tay dụi mắt, miệng, cầm nắm đồ vật bẩn nhưng không rửa tay sạch... đã vô tình làm "cầu nối” giúp vi khuẩn dễ dàng vào cơ thể, gây nhiều bệnh nguy hiểm. Các bệnh hay gặp: đau mắt, tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp cấp… thường mắc phải cũng chính là do thực hiện vệ sinh kém.
|
Thu Hiền