Niềm tự hào với những giá trị trường tồn
Những ngày trung tuần tháng 12/2024, người Tày huyện Yên Bình và huyện Lục Yên nói riêng, người dân tỉnh Yên Bái nói chung hân hoan đón nhận niềm vui khi nghệ thuật trình diễn dân gian "Khắp cọi" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Được đắm mình trong những điệu khắp cọi từ thuở ấu thơ, là người am hiểu bậc nhất và thực hành thuần thục các làn điệu dân ca của người Tày nói chung ở vùng sông Chảy, nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai - xã Xuân Lai, huyện Yên Bình có một tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật dân gian của dân tộc Tày, trong đó có nghệ thuật trình diễn dân gian "Khắp cọi”. Ông đã sưu tầm và phổ biến được hơn 200 bài hát "Khắp cọi”, mở lớp truyền dạy nghệ thuật "Khắp cọi” cho các thế hệ đi sau trong vùng. Nay biết tin nét văn hóa đặc trưng của dân tộc trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai - xã Xuân Lai không khỏi bồi hồi.
Ông cho biết: "Nghệ thuật "Khắp cọi” được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng tộc người Tày, gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Từ môi trường tự nhiên, cảnh quan cư trú, điều kiện lao động sản xuất, nhu cầu giãi bày, thưởng thức văn hóa văn nghệ, sẻ chia buồn vui cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của đời sống tinh thần cùng với khát vọng về cuộc sống tốt đẹp của tộc người Tày đã hình thành nên nghệ thuật "Khắp cọi”.
Nghệ thuật trình diễn "Khắp cọi” của người Tày ở vùng sông Chảy, tỉnh Yên Bái được xác định là một di sản văn hóa tiêu biểu của tộc người. Địa phương cũng xác định, tương lai sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo, được nhiều du khách lựa chọn và trải nghiệm, bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này đã được đưa vào nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giúp di sản văn hóa nói chung được bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững nhất, trong đó có nghệ thuật trình diễn "Khắp cọi” của người Tày.
Cùng với "Khắp cọi”, trong năm 2024, tỉnh Yên Bái tự hào khi còn có Lễ hội "Gầu tào” của người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn; Lễ "Xên đông” của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ; Lễ Cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến hết năm 2024, tổng số di tích đã xếp hạng trên địa bàn toàn tỉnh tăng lên 142 di tích, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 129 di tích cấp tỉnh.
Lễ "Xên đông” của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2024
Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian – Giàng A Su hiện là thầy cúng trong lễ hội "Gầu Tào” của huyện Trạm Tấu phấn khởi: "Tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của quê hương, đặc biệt là các hoạt động của lễ hội "Gầu Tào”, để giá trị di sản của lễ hội luôn được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ kế thừa, trường tồn và phát triển cùng đất nước”.
Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải bày tỏ: "Mỗi một di sản văn hóa của quê hương được vinh danh, tôi đều cảm thấy rất vui mừng. Điều đó cũng khẳng định, Yên Bái là miền đất giàu giá trị văn hóa đã và đang được các cấp, ngành quan tâm bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, đây là cơ hội để những giá trị văn hóa, vẻ đẹp đất và người Yên Bái nói chung thêm phần lan tỏa đến với bạn bè trong nước và quốc tế”.
Kết nối di sản với du lịch
Những năm qua, du lịch Yên Bái ngày càng khẳng định được vị thế, từng bước xây dựng thương hiệu, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của di sản văn hóa phi vật thể. Giờ đây khi nhắc đến Yên Bái, người ta nghĩ ngay đến Lễ hội Đền Đông Cuông, nghệ thuật Khèn và nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Hạn khuống của người Thái thị xã Nghĩa Lộ; Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải; đặc biệt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nghệ thuật Xòe Thái…
Những di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được xem là một dòng chảy tâm linh tồn tại vững chãi và bền bỉ trong đời sống cộng đồng. Trải qua nhiều thế hệ, những giá trị văn hóa tinh thần đó đã trở thành tài sản của con người trong cuộc sống hài hòa với tự nhiên, chứa đựng thái độ và những hành vi ứng xử của con người với con người và của con người với thiên nhiên trong một mối quan hệ hài hòa, thân thiện vốn không thể tách rời... Giá trị riêng có của di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là cơ sở để tỉnh có kế hoạch bảo tồn bền vững, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đây cũng là hướng đi quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Bởi thực tế cho thấy, di sản văn hóa và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Du khách nước ngoài trải nghiệm nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở huyện Mù Cang Chải
Chính nhờ các di tích, danh thắng, di sản văn hóa khi được công nhận cấp tỉnh, quốc gia đã trở thành tiền đề quan trọng để du lịch Yên Bái bứt phá, ghi tên vào bản đồ du lịch Việt Nam. Trong năm 2024, toàn ngành du lịch đón phục vụ trên 2.272 triệu lượt khách (đạt 133,7% kế hoạch; tăng 8,8% so với cùng kỳ); khách quốc tế đạt 381.634 lượt (đạt 96,3% kế hoạch, tăng 91,2% so với cùng kì năm 2023). Doanh thu ước đạt 1.922 tỷ đồng (đạt 128,1% kế hoạch, tăng 11,6% so với cùng kỳ).
Để tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh gắn với di sản văn hóa phi vật thể, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể để hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng phục vụ du khách. Mặt khác, tăng cường tổ chức tập huấn, các hoạt động truyền dạy tại cộng đồng, đặc biệt đối với các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh; nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của các loại hình di sản văn hóa, văn hóa phi vật thể tại địa phương của người dân, cộng đồng, chính quyền các cấp về tầm quan trọng, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đối với sự phát triển bền vững của du lịch.
Thanh Chi