Hưởng ứng ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9-11, Phòng Thanh tra - Pháp chế - Sở hữu trí tuệ phối hợp với Công đoàn trường - Đoàn thanh niên trường Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) văn tổ chức buổi livestream báo cáo chuyên đề "Sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh” nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến toàn thể viên chức, người lao động và sinh viên.
Chuyên đề có sự góp mặt của trung tá Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên khoa Lý luận Chính trị trường ĐH An ninh nhân dân, thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế - Sở hữu trí tuệ, thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế - Sở hữu trí tuệ và các thầy cô trường ĐH KHXH&NV.
MXH là mảnh đất màu mỡ để mọi người ném đá nhau
Trong buổi livestream, ông Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV cho biết, mạng xã hội (MXH) hiện nay đang ngày càng phát triển bùng nổ trên mọi phương tiện và trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của mọi người. Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh vừa qua, khi con người phải giữ khoảng cách với nhau thì MXH là công cụ giúp kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, trò chuyện thuận tiện hơn.
"Dù MXH đem lại nhiều lợi ích nhưng ở một khía cạnh khác vẫn có những hệ lụy tiêu cực, phát sinh các hiện tượng gây mất an ninh trật tự. Người sử dụng MXH có thể bị mất thông tin cá nhân, bị lợi dụng, lừa đảo,... Vì vậy, mọi người cần nắm chắc luật để biết cách sử dụng MXH an toàn, văn minh” - Ông Lê Hoàng Dũng chia sẻ.
Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên khoa Lý luận Chính trị trường ĐH An ninh nhân dân và là diễn giả của chương trình cho biết: "Luật An ninh mạng Việt Nam dù đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 nhưng khó khăn hiện nay là chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Chính vì thế, trên MXH có rất nhiều trường hợp vi phạm Luật an ninh mạng. Bản thân tôi thấy không có một mảnh đất nào màu mỡ bằng mảnh đất MXH để mọi người có thể ném đá nhau”.
Cũng theo trung tá, người sử dụng MXH còn có thể thỏa mãn sự hiếu kỳ, tò mò bằng cách xâm phạm đời tư người khác. Hơn nữa, MXH còn tạo ra những giá trị ảo, trở thành công cụ để chống phá chế độ. Những hậu quả đối với cá nhân sử dụng MXH không an toàn, văn minh là ảnh hưởng sức khỏe, bị lôi kéo dụ dỗ, bôi nhọ lừa đảo, tấn công khống chế, vi phạm pháp luật,...
Theo đó, ông Lâm đưa ra nhiều biện pháp để sử dụng MXH an toàn và văn minh. Người dùng MXH nên sử dụng tên chính danh, cài mật khẩu an toàn, không kết bạn với người lạ và tránh xa những thông tin sai trái, xấu, độc trên MXH.
Ông Lê Hoàng Việt Lâm khuyên rằng, người dùng chỉ nên chia sẻ những điều lạc quan, tích cực trên MXH, biết tế nhị, tôn trọng và không làm phiền người khác. Đặc biệt, người dùng không nên đăng tải hình ảnh của bản thân mọi lúc, mọi nơi, chính xác ở từng địa điểm.
"Trước khi đăng tải hay chia sẻ, cần nhận diện và kiểm chứng thông tin. Hơn nữa phải chú ý việc sử dụng MXH khi đi chung với trẻ em. Hãy nhớ rằng những gì bạn chia sẻ trên MXH là một sự phản ánh con người, tính cách, lối sống của bạn” – trung tá Lê Hoàng Việt Lâm khuyến cáo.
"5K" trong thiết lập "vùng xanh” trên MXH là gì?
Trong livestream, trung tá chỉ ra rằng, thiết lập "vùng xanh” trên MXH là thiết lập sự văn minh, an toàn và thái độ tích cực của người dùng MXH. Cũng giống như trong phòng chống COVID-19, để thiết lập "vùng xanh” trên MXH, người dùng cần tuân thủ nguyên tắc "5K”: không tin ngay; không vội đăng tải, bình luận; không thêm bớt thông tin; không vội chia sẻ; không kích động.
Ông Lâm còn nhấn mạnh, người dùng MXH không nên truy cập vào những trang web, bài báo điện tử mang tính câu view, câu like; không tham gia xúi giục, xúc phạm, đe dọa, kêu gọi trên MXH để gây rối an ninh trật tự. Đặc biệt người dùng không nên đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác.
Cũng trong buổi livestream, giảng viên (GV), sinh viên (SV) trường ĐH KHXH&NV đã đặt nhiều câu hỏi thắc mắc để có được sự giải đáp từ trung tá Lê Hoàng Việt Lâm. Trang Trang (SV trường ĐH KHXH&NV) đã hỏi về vấn đề khi bị lừa đảo qua MXH thì nên làm gì.
Trả lời câu hỏi của Trang Trang, trung tá cho rằng để không bị lừa, người dùng không nên vô các đường link lạ và làm theo các thao tác yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Nếu không may bị hack facebook, người dùng nên sử dụng các kênh thông báo để báo cho người thân, bạn bè. Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dùng nên trình báo các cơ quan chức năng chuyên trách.
Một GV của trường ĐH KHXH&NV cũng có thắc mắc về vấn đề bóc phốt nhau trên MXH, dù thông tin chưa được kiểm chứng nhưng có rất nhiều người hùa vào chửi bới nạn nhân. "Làm thế nào nếu như SV của tôi là người đi bóc phốt sai, xâm hại danh dự hoặc là nạn nhân của vụ bóc phốt sai?” - GV hỏi.
Trung tá trả lời rằng, đối với SV là người đi bóc phốt, xâm hại danh dự người khác, GV nên cho SV lời khuyên để ngừng sự việc. Đối với SV bị bóc phốt sai, bị xúc phạm trên MXH, nên xác định mức độ bóc phốt và hướng dẫn SV sử dụng những cách thức, ngôn ngữ văn minh, đúng luật để đáp lại những người bóc phốt mình.
Nếu bị bóc phốt sai ở mức độ nặng, SV nên sử dụng các quyền khiếu nại, tố cáo như lập vi bằng. Đó là những biện pháp để không trở thành nạn nhân của những vụ bóc phốt sai, xâm hại nhân phẩm, xúc phạm danh dự trên MXH.
(Theo PLO)