Ngăn chặn can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng
Ngày 15/11, Bộ Công an công bố thành lập Phòng An ninh trên không. Theo Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), đến nay chưa ghi nhận các bằng chứng về ý định thực hiện các hành vi khủng bố tự sát của các tổ chức khủng bố tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các cơ quan đại diện, cơ sở lợi ích của Mỹ, phương Tây và các nước tham gia liên minh chống khủng bố của Mỹ ở Việt Nam có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố quốc tế vào bất cứ thời điểm nào.
Do vậy, công tác bảo đảm an ninh hàng không được nâng cao nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
Thực tế, qua kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không hàng năm vẫn có những mẫu vật mô phỏng, vật gây nguy hiểm không bị phát hiện. Các đối tượng khủng bố luôn tìm các sơ hở trong hệ thống bảo vệ an ninh, an toàn hàng không để lợi dụng thực hiện ý đồ xâm phạm an ninh quốc gia, đặc biệt là an ninh, an toàn các chuyến bay. Mặt khác, Việt Nam cũng nhận được yêu cầu triển khai lực lượng an ninh trên không khi mở đường bay thẳng đến Mỹ...
Từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 922015/NĐ-CP ngày 13.10.2015 về an ninh hàng không, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục An ninh cửa khẩu (Tổng cục An ninh) nay là Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì xây dựng đề án tổ chức và hoạt động của lực lượng an ninh trên không. Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các bộ, ban ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ và báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt đề án vào đầu năm 2020, chủ động tuyển chọn xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện sĩ quan để triển khai lực lượng an ninh trên không trên các chuyến bay, đường bay đảm bảo các yêu cầu đề ra.
Tham mưu tạm hoãn chuyến bay khi xác định có nguy cơ
Theo đó, lực lượng An ninh trên không là lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khủng bố, phòng ngừa và xử lý hành vi can thiệp bất hợp pháp, đảm bảo an ninh trên chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Lực lượng này có nhiệm vụ nắm tình hình có liên quan đến an ninh hàng không, tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến âm mưu, phương thức, thủ đoạn và các hành vi đe dọa an ninh an toàn các chuyến bay trong nước và quốc tế của hàng không dân dụng Việt Nam.
Bên cạnh đó, lực lượng này cũng tham mưu, đề xuất với Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh các chủ trương, phương án, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý những hành vi khủng bố hoặc đe dọa an ninh, an toàn chuyến bay; quyết định việc triển khai bố trí lực lượng an ninh trên không trên các chuyến bay nếu có nguy cơ xảy ra.
Lực lượng này cũng có trách nhiệm phối hợp với tổ bay xử lý các tình huống can thiệp bất hợp pháp hoặc độc lập xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn tàu bay đang bay, được phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ lực, phương tiện kỹ thuật,... theo quy định của pháp luật nhằm vô hiệu hóa các hành vi can thiệp bất hợp pháp trên tàu bay; phối hợp với các hãng hàng không và lực lượng chức năng trong nước và nước ngoài giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trên tàu bay.
Trong trường hợp đặc biệt, lực lượng an ninh trên không sẽ tham mưu, báo cáo Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh đề nghị Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam tạm hoãn các chuyến bay khi có căn cứ xác định có nguy cơ xảy ra khủng bố hoặc các hành vi can thiệp bất hợp pháp khác, đe dọa an ninh an toàn chuyến bay.
Lực lượng này sẽ phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Công an và ngành hàng không thực hiện áp giải bằng đường hàng không với những người bị dẫn độ, người đang chấp hành hình phạt tù từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại, người nước ngoài bị trục xuất buộc xuất cảnh, người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất vì không cho cư trú thuộc diện trở lại theo hiệp định, bản ghi nhớ các bên đã ký kết, bị bắt theo thông báo của Ban Tổng thư ký Interpol ban hành...
(Theo TNO)