Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 với chủ đề: "Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19". Tháng hành động năm 2021 trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong tình hình khó khăn việc khơi dậy ý chí quyết tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo và sự vào cuộc của các ngành, các cấp và vai trò lãnh đạo của người đứng đầu là vô cùng quan trọng để nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Kể từ khi Yên Bái phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1997, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS luôn được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm, có nhiều hoạt động đã triển khai để khống chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Những năm qua, Yên Bái đã kiểm soát HIV trên cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS, giảm số người chuyển giai đoạn AIDS. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh để đạt được 3 tiêu chí trên.
Có được kết quả trên tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp. Chú trọng công tác truyền thông can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV, truyền thông HIV/AIDS trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông tại cộng đồng, cơ sở y tế... từ đó giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tạo điều kiện cho người nhiễm HIV tiếp cận được các dịch vụ y tế, hòa nhập cộng đồng.
Hàng năm, cung cấp bơm kim tiêm và bao cao su miễn phí cho hơn 1.000 đối tượng nghiện chích ma túy và người có nguy cơ cao từ đó giảm nguy cơ lây truyền HIV ra cộng đồng. Công tác chăm sóc điều trị HIV/AIDS triển khai hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 điểm điều trị ARV và 27 điểm cấp phát thuốc điều trị cho 1.668 bệnh nhân. 99% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế và thanh toán thuốc ARV qua bảo hiểm y tế đây là kết quả mang tính đột phá khi chuyển từ cấp thuốc ARV từ dự án quốc tế sang cung ứng thuốc qua bảo hiểm y tế để đảm bảo tính bền vững trong công tác điều trị cho bệnh nhân. Trong đó, 96% bệnh nhân điều trị ARV có kết quả tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế, từ đó giảm nguy cơ lây truyền HIV ra cộng đồng "Không phát hiện = Không lây nhiễm”.
Trong năm 2021, xét nghiệm tải lượng HIV được chi trả qua nguồn bảo hiểm y tế và kỹ thuật xét nghiệm đã được triển khai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật góp phần tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong xét nghiệm HIV, số mẫu dương tính được phát hiện/tổng số mẫu xét nghiệm liên tục giảm qua các năm.
Trong những năm đầu, phát hiện trung bình 350 trường hợp dương tính/1 năm, 5 năm gần đây giảm dần từ 200 trường hợp xuống 150 trường hợp; trong 9 tháng năm 2021 phát hiện 52 ca giảm 50% số ca dương tính so với cùng kỳ năm 2020. Công tác giám sát HIV/AIDS được triển khai thường xuyên, liên tục.
Để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tỉnh Yên Bái cần có những giải pháp đồng bộ về công tác phòng, chống HIV/AIDS, chú trọng công tác chăm sóc điều trị HIV/AIDS trong tình hình mới.
Thời gian tới cần đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường xét nghiệm HIV trong cộng đồng, đảm bảo mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm; giám sát, rà soát ca bệnh, tăng cường công tác điều trị ARV cho tuyến huyện, hướng tới mục tiêp đưa 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV…
Cùng với đó, ưu tiên cho các giải pháp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử; tăng cường biện pháp điều trị nghiện chất trong can thiệp giảm hại. Tăng cường các loại hình xét nghiệm HIV: xét nghiệm tại các cơ sở y tế, chú trọng xét nghiệm tư vấn lưu động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa và đẩy mạnh thực hiện xét nghiệm không chuyên cho các đối tượng có nguy cơ cao; mở rộng điều trị cho người nhiễm HIV tại trại tạm giam, trại giam…
Giải pháp đảm bảo nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS cần tiếp tục được chú trọng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và kinh phí từ nguồn BHYT giữ vai trò đặc biệt quan trọng để đảm bảo các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS không chỉ dừng ở các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, mà còn đòi hỏi sự tham gia ủng hộ của cộng đồng và của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc điều trị HIV/AIDS, đảm bảo người nhiễm HIV được duy trì điều trị thuốc ARV liên tục trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Để công tác điều trị ARV không bị đứt gẫy trong tình hình dịch diễn biến phức tạp các đơn vị có cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS cần làm tốt các nội dung sau:
Điều trị, cấp phát thuốc ARV và chuyển tuyến cho người bệnh HIV/AIDS: Thực hiện theo hướng dẫn về việc điều trị ARV cho người nhiễm HIV trong tình hình dịch Covid-19 theo quy định của Cục phòng, chống HIV /AIDS về điều trị ARV trong tình hình dịch COVID-19.
Rà soát số người bệnh đang điều trị thuốc ARV trên địa bàn toàn tỉnh để có phương án điều trị phù hợp, trong trường hợp người đang điều trị bị cách ly hoặc cơ sở điều trị bị cách ly, thực hiện theo công văn số 190/AIDS-ĐT ngày 31/3/2020 về việc khám và cấp phát thuốc ARV điều trị người bệnh HIV/AIDS trong tình hình dịch COVID-19.
Để tiếp tục động viên, khích lệ tinh thần người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV tham gia tích cực điều trị và các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phượng. Hàng quý Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với dự án AHF tặng quà cho trẻ bị nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV trong tuổi đi học và đang điều trị ARV tại Văn Chấn, Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. hỗ trợ bao gồm kinh phí đi học, kinh phí đến lấy thuốc ARV và các thực phẩm thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, từ đó nâng cao chất lượng đời sống và tinh thân của người nhiễm HIV.
Bs Hoàng Tươi (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái)