Trước đây, hội viên phụ nữ xã An Lạc, huyện Lục Yên chỉ biết trồng tre măng Bát độ, đến vụ khai thác bán măng tươi cho thương lái, hiệu quả kinh tế không cao, sản phẩm măng không để được lâu. Trăn trở làm sao để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây tre măng cho hội viên, chị Vũ Thị Hồng Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) xã đã đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, cách thức sơ chế măng thành các sản phẩm: măng củ, măng lá, măng xé... về hướng dẫn cho hội viên.
Đồng thời, chị Duyên cũng kết nối với các thương lái tại các chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Hải Phòng, Bắc Ninh để tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Qua hạch toán, hiệu quả kinh tế thu về đạt cao hơn, vừa tận dụng tối đa nguồn nhân lực, vừa giúp các hộ gia đình hội viên nâng cao thu nhập đạt từ 70 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha/năm.
Chị Duyên chia sẻ: "Chúng tôi đã thành lập Tổ hợp tác (THT) chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng gồm 8 thành viên để chị em vừa làm, vừa trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm”.
Cùng với cây tre măng Bát độ, từ một số hộ trồng cây khôi tía nhỏ lẻ, HPN xã đã mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy xã cho chủ trương phát triển diện tích cây dược liệu này bằng cách tận dụng tối đa diện tích đất canh tác, trồng xen canh cây khôi tía dưới tán rừng. Sau 3 năm triển khai 2,8 ha khôi tía phát triển tốt, mỗi năm cho thu nhập bình quân từ 80 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha.
Ngoài phong trào phát triển kinh tế làm giàu chính đáng, HPN xã còn quan tâm giúp đỡ hộ hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ gặp thiên tai, hỏa hoạn dưới nhiều hình thức. Hội cũng vận động hội viên thực hành tiết kiệm bằng hình thức gây quỹ ở 5 chi hội; triển khai nhiều mô hình tiết kiệm hiệu quả như: "Tổ phụ nữ tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo”, "Tổ góp vốn xoay vòng”, "Tổ giúp nhau về cây, con giống”... Đến nay, 100% chi hội đã xây dựng được nguồn quỹ với tổng số tiền 101 triệu đồng. Nguồn quỹ này đã giúp hàng trăm hội viên vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ cải thiện cuộc sống gia đình.
Cùng với đó, HPN xã An Lạc còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hội viên vay vốn; phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên; đưa các loại cây, con giống có năng suất cao vào trồng trọt và chăn nuôi; tổ chức tham quan các mô hình trong và ngoài xã để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. HPN xã còn kiến nghị với Tỉnh hội mở lớp khởi sự doanh nghiệp tại địa phương.
Từ các lớp này, các chị em ứng dụng mở các xưởng sơ chế gỗ rừng trồng với 8 xưởng chế biến gỗ do phụ nữ làm chủ, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động, thu nhập từ 2,5 đến 5 triệu đồng/tháng.
Đến nay, đã có 16 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, tỷ lệ hộ phụ nữ nghèo toàn xã còn 4%. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hội viên phụ nữ đã tích cực may và phát khẩu trang miễn phí cho hội viên và người dân cũng như ủng hộ lương thực, thực phẩm trị giá hàng chục triệu đồng cho các chốt kiểm dịch y tế liên ngành trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, HPN xã tăng cường tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền việc học tập và làm theo lời Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Hội và phong trào phụ nữ; xây dựng kế hoạch hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo phương châm "3 tại chỗ” (nguồn lực tại chỗ, nhân lực tại chỗ, kinh phí tại chỗ), phấn đấu hết năm 2021, giúp 5 hộ hội viên thoát nghèo, xóa nhà dột nát cho 1 hộ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương…
Minh Huyền