Đề án đã làm thay đổi hành vi về lựa chọn giới tính thai nhi của người dân, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) trên địa bàn.
Thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên nhiều năm là địa phương có mức sinh khá cao, tỷ số GTKS luôn ở mức 113 bé trai/100 bé gái. Năm 2017, Đề án được triển khai tại đây đã mang lại hiệu quả. Số hộ sinh con thứ 3 giảm, tỷ số GTKS cũng giảm đáng kể, hiện ở mức 110 bé trai/100 bé gái. Thị trấn Cổ Phúc được đánh giá là địa phương kiểm soát tốt tình trạng MCBGTKS của huyện.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Trưởng trạm Trạm Y tế thị trấn Cổ Phúc cho biết: "Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của đội ngũ y tế cơ sở đã tích cực truyền thông lồng ghép trong các buổi họp tổ dân phố và tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình để vận động các đối tượng đang trong độ tuổi sinh đẻ, gia đình sinh 2 con một bề đều là gái, gia đình có điều kiện kinh tế khá giả không sinh thêm con thứ 3 và chọn lựa giới tính. Chính vì vậy, chất lượng dân số được nâng lên”.
Kết hôn với nhau từ năm 2017, vợ chồng chị Đỗ Thị Nhung và anh Trần Văn Tuấn, ở thôn Trung Tâm, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên sinh được hai cô con gái khỏe mạnh và đáng yêu. Chị Nhung chia sẻ: "Trước vợ chồng tôi cũng có ý định sẽ sinh thêm con thứ 3 với hy vọng có con trai, nhưng nhờ sự động viên của ông bà nội ngoại, rồi được sự vận động của cán bộ y tế dân số xã nên chúng tôi quyết định sẽ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con tốt”.
Mặc dù gia đình nhà chồng chị Nhung có 2 người con trai, bản thân chị lại là dâu trưởng, nhưng chưa khi nào chị phải chịu áp lực bởi tư tưởng "trọng nam khinh nữ” từ phía gia đình nhà chồng. Trái lại, các con chị luôn nhận được sự gần gũi yêu thương dạy bảo của ông bà nội. Bản thân chị cũng luôn được bố mẹ chồng ủng hộ, động viên và chia sẻ về tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch, nói không với lựa chọn GTKS, cùng tập trung phát triển kinh tế, chăm sóc, nuôi dạy các con ngoan ngoãn, hiếu thảo. Giờ đây, trong ngôi nhà có 3 thế hệ chung sống luôn tràn ngập yêu thương và đầy ắp tiếng cười hạnh phúc.
Đề án "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” được thực hiện từ năm 2017, ở 9 huyện, thị xã, thành phố với 173 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Để thực hiện Đề án, thời gian qua, Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi của người trong độ tuổi sinh đẻ; toàn tỉnh tổ chức được 354 hội nghị, hội thảo với 17.395 người dự và tổ chức 1.088 buổi truyền thông nhóm tại cụm dân cư cho trên 12.380 người về nội dung MCBGTKS, không lựa chọn GTKS.
Ngoài ra, tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác dân số tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có nội dung về kiểm soát MCBGTKS; kiểm tra được 09 đợt với 22 cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, sản phụ khoa.
Tổ chức tập huấn về nội dung, phương pháp, kỹ năng truyền thông về vấn đề kiểm soát MCBGTKS, lựa chọn giới tính thai nhi… cho cán bộ truyền thông các cấp, cộng tác viên và nhân viên y tế dân số thôn bản… 5 năm triển khai Đề án đến nay, Yên Bái bước đầu khống chế được tốc độ gia tăng MCBGTKS.
Theo đó, tỷ số GTKS giảm dần từng năm. Nếu như năm 2017 là 111,8 trẻ trai/ 100 trẻ gái thì đến năm 2020 là 110 trẻ trai/ 100 trẻ gái và dự ước năm 2021 là 109,6 trẻ trai/ 100 trẻ gái. Từ kết quả đó có thể khẳng định tỉnh đã hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 08/KH-UBND là khống chế tốc độ gia tăng tỷ số GTKS ở mức dưới 0,5 điểm phần trăm/năm, để đảm bảo duy trì tỷ số dưới 115 trẻ trai/ 100 trẻ gái vào năm 2020.
Năm 2021, tỷ suất sinh của tỉnh là 2,52 con/phụ nữ, hiện Yên Bái đang là tỉnh có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng gia tăng, đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ làm MCBGTKS.
Do đó, thời gian tới, tỉnh cần tăng cường truyền thông lồng ghép giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nhằm cung cấp kiến thức, thông tin về thực trạng, hệ lụy của vấn đề MCBGTKS và quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp thanh tra, giám sát các cơ sở y tế, kinh doanh văn hóa phẩm liên quan đến lựa chọn GTKS. Nâng cao năng lực đối với cán bộ công chức y tế dân số các cấp… để kiểm soát tốt tình trạng MCBGTKS.
Thu Hiền