Vợ chồng anh chị Đào Văn Tiến, Lê Thị Từ đã có những thay đổi tích cực trong các mối quan hệ gia đình kể từ khi tham gia Câu lạc bộ (CLB) Xây dựng gia đình hạnh phúc thôn Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên.
Anh Tiến chia sẻ: "Cùng vợ tham gia vào CLB, gia đình tôi đã hiểu nhau hơn. Tôi học được cách kiềm chế những cơn nóng giận, vợ chồng cùng chia sẻ việc nhà và nuôi dạy con cái, nói chuyện với con nhiều hơn, biết khen và động viên vợ con bằng những lời yêu thương. Đây là những việc trước đây tôi chưa từng làm”.
Một buổi sinh hoạt của CLB được khởi đầu bằng những trò chơi dân gian tập thể, tạo sự gắn kết gia đình. Tiếp đó, Ban Chủ nhiệm CLB sẽ hướng dẫn, cung cấp kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc. Các thành viên trao đổi về cách thức nuôi dạy con, những khúc mắc trong mối quan hệ gia đình để cùng nhau tìm cách giải quyết hiệu quả.
Các thành viên đều khẳng định đã có sự thay đổi tích cực khi tiếp cận các kiến thức gia đình hạnh phúc, gia đình toàn mỹ, đặc biệt là cơ hội để lắng nghe suy nghĩ, tâm tư của đối phương để cùng nhau chia sẻ, quan tâm và làm tròn trách nhiệm của bản thân.
Đó cũng là cách CLB đồng hành cùng các thành viên dựng xây hạnh phúc gia đình. Không chỉ ở vùng thấp, huyện vùng cao như Mù Cang Chải cũng đã hình thành được 98 CLB gia đình hạnh phúc với trên 1.400 hộ tham gia. Nhờ đó, theo kết quả điều tra xã hội học, tỷ lệ hài lòng về mối quan hệ gia đình và xã hội trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đạt tỷ lệ cao với 71,43%.
Có thể thấy, chưa bao giờ, phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc lại sôi nổi như năm nay. Đến nay, mỗi thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đều đã thành lập được 1 CLB gia đình hạnh phúc.
Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 980 CLB gia đình phát triển bền vững, 760 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 1.364 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 173 đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình và trên 200 CLB khác liên quan đến gia đình như: CLB gia đình "5 không 3 sạch", CLB gia đình không sinh con thứ ba, CLB phụ nữ nuôi dạy con tốt… góp phần nhân rộng các phong trào, các mô hình, cách làm hay thiết thực trong công tác gia đình và xây dựng môi trường gia đình lành mạnh, hạnh phúc. Năm 2021, tỷ lệ gia đình được công nhận gia đình văn hóa trên toàn tỉnh đạt 81%.
Hoạt động của các mô hình này đã góp phần thay đổi về nhận thức và chuyển đổi hành vi của các thành viên trong gia đình theo hướng tích cực hơn, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình. Qua đó, xuất hiện nhiều nhân tố điển hình tiêu biểu trong các phong trào "Người tốt, việc tốt”, "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, "Gia đình văn hóa” ở địa phương. Đây là việc làm có ý nghĩa, là giải pháp có hiệu quả và lâu dài trong việc phòng ngừa xã hội đối với những vấn đề bức xúc đang đặt ra.
Hoài Anh