Từ năm 2020, thực hiện Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, đơn vị chủ trì là Hợp tác xã (HTX) Lũng Lô, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đã cung cấp cây giống, phân bón, vật tư cho 19 hộ dân tham gia liên kết trồng 14,6 ha cây dược liệu.
HTX phụ trách hướng dẫn, xây dựng và đăng ký tiêu chuẩn, bao tiêu 100% sản phẩm, sơ chế, chế biến và bán ra thị trường. Các hộ dân đối ứng về nhân công lao động, phân bón. HTX hướng dẫn các hộ dân đảm bảo quy trình sản xuất làm cơ sở cho việc chứng nhận GACP-WHO.
Ông Sầm Văn Nưa - Phó Giám đốc HTX Lũng Lô cho biết: Dự án có tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng, trong đó 2,89 tỷ đồng là vốn ngân sách Nhà nước. Đây là mô hình liên kết để các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp, công ty có thể đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Mô hình còn góp phần thay đổi thói quen canh tác cũ, cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Năm 2021, doanh thu của HTX đạt 1 tỷ đồng không những tạo thu nhập cho người trồng dược liệu mà còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 20 - 60 người tùy thời điểm. Được biết, đến hết năm 2021, huyện Văn Chấn đã có 681 ha cây dược liệu.
Việc trồng dược liệu đã được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 1.200 ha cây dược liệu các loại; trong đó diện tích vùng tập trung là 105 ha (70 ha trồng mới), phân tán ngoài vùng quy hoạch là 1.095 ha; hàng năm cung cấp trên 5.000 - 7.000 tấn dược liệu các loại, tạo việc làm ổn định cho 600 - 1.200 lao động địa phương.
Cùng với các chương trình, dự án, nhiều năm qua, Hội Đông y tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tăng cường phát hiện, sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu của địa phương. Năm 2021, các cấp Hội đã tiến hành điều tra cây thuốc tiềm năng trên địa bàn toàn tỉnh, xác định được 35 loại cây thuốc có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế, khuyến khích phát triển chuỗi giá trị; phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật với 18 lớp tập huấn; hỗ trợ cây giống gồm: 20.000 cây lá khôi giống cho 20 gia đình là thành viên nhóm sở thích trồng cây khôi nhung tại xã Xuân Long, huyện Yên Bình; hỗ trợ 10.000 cây giống lá gan cho các gia đình trong nhóm sở thích trồng cây lá gan tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.
Để tiếp thêm động lực để phát triển vùng cây dược liệu, trong Nghị quyết 69/202/NQ-HĐND tỉnh ngày 16/12/2020 về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025, chính sách phát triển cây dược liệu là một trong 15 chính sách được triển khai, áp dụng hỗ trợ cho các dự án phát triển trồng một số loài cây dược liệu trên địa bàn có diện tích trồng mới từ 5 ha trở lên; với hình thức hỗ trợ một lần 70% chi phí cây giống và phân bón, tổng kinh phí hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/ dự án. Hết năm 2021, đã có 2 dự án trồng cây dược liệu ở huyện Văn Chấn và Trấn Yên với tổng kinh phí là 2,223 tỷ đồng được đăng ký xây dựng.
Hết năm 2021, vùng chuyên canh cây dược liệu theo chuỗi giá trị đạt 3.882 ha, vượt 82ha so với kế hoạch. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết phối hợp trồng cây dược liệu rất hiệu quả như: HTX Viễn Sơn, HTX Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn (huyện Văn Yên) trồng cây dược liệu: cà gai leo, quế, sả, bách bộ; HTX Lũng Lô (Văn Chấn) trồng đương quy, hoài sơn, sâm bố chính...; huyện Trấn Yên, Yên Bình có mô hình trồng cây lá khôi, cà gai leo; huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu có mô hình sơn tra, thảo quả… đã đem lại thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân cũng như đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hoài Anh