Chia sẻ xúc động của những kiều bào đầu tiên trở về từ Ukraine

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/3/2022 | 9:38:44 AM

Những người Việt trở về từ Ukraine trên chuyến bay bảo hộ công dân đầu tiên cất cánh từ Romania về Hà Nội đã không giấu được sự xúc động và biết ơn khi có mặt tại quê hương.

Kiều bào theo hướng dẫn của nhân viên Vietnam Airlines đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Nội Bài.
Kiều bào theo hướng dẫn của nhân viên Vietnam Airlines đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Nội Bài.

"Cảm xúc của tôi bây giờ cũng như toàn bộ những người được trở về trên chuyến bay bảo hộ công dân đầu tiên từ Romania về Hà Nội thực sự rất cảm động và biết ơn. Được có mặt tại quê hương mình, tại nước Việt Nam thân yêu, tôi thực sự rất biết ơn các cơ quan, ban, ngành, Bộ Ngoại giao cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã tạo điều kiện giúp đỡ để đón các công dân về nước. Và vinh dự nhất là chúng tôi được bay trên chuyến bay ảo hộ công dân đầu tiên để trở về Việt Nam. Cảm xúc của tôi không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn, thực sự là xúc động."

Đó là những lời chia sẻ đầy xúc động, hạnh phúc của chị Vũ Thị Vân (quê gốc Nghệ An) và cũng là của hầu hết 287 kiều bào hồi hương trên chuyến bay VN88 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khởi hành từ Thủ đô Bucharest của Romania, hạ cánh an toàn xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội vào trưa 8/3.

Đây là chuyến bay bảo hộ công dân đầu tiên của Việt Nam sơ tán kiều bào khỏi vùng chiến sự tại Ukraine, do Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí.

Hành trình di tản

Ngày 24/2, lúc 5 giờ 10 phút (giờ địa phương), khi tất cả mọi người đang say trong giấc ngủ, nhiều nơi trên đất nước Ukraine xuất hiện nhiều tiếng bom và súng nổ. Lúc đấy, chị Vũ Thị Vân và cộng đồng người Việt đang sinh sống trong chung cư Làng Sen ở thành phố Cảng Odessa (Ukraine) vô cùng hoang mang.

Chị Vân cho biết, trước đấy, đã có những thông tin về căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nhưng thực sự câu chuyện thời sự này diễn ra nhiều năm rồi nên mọi người không nghĩ sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh diện rộng, bất ngờ như vậy. Không ai có sự chuẩn bị gì. Và khi chiến sự nổ ra, người dân cực kỳ hoang mang vì nghe tiếng đạn bom nổ ở rất gần mình.

"Ba ngày đầu, nghe thấy tiếng bom nổ nhưng chưa có sự giao tranh. Bà con từ ngày đầu tiên có tiếng bom nổ đã sơ tán xuống tầng hầm. Đến ngày thứ ba, khi cảm thấy không được ổn, mọi người quyết định cùng nhau di tản từ Odessa sang Moldova bằng xe riêng của mình trong chặng đường 200km," chị Vân chia sẻ.

Quãng đường di tản sang Moldova tuy không xa nhưng gia đình chị Vân gồm hai vợ chồng chị và hai đứa con nhỏ (một cháu gần 2 tuổi, một cháu 6 tuổi) đã phải mất tới 12 giờ đồng hồ di chuyển dưới cái lạnh -3 độ C. Trong đó, phần lớn thời gian là đợi chờ để di chuyển qua cửa khẩu giữa Ukraine và Moldova.

Ấm áp được trở về

Vượt qua hành trình đầy gian nan từ Ukraine sang đến Moldova, chị Vân cùng hơn 100 người Việt tạm nghỉ chân ở đất nước này 3 ngày.

Trong 3 ngày này, một cuộc đấu tranh tư tưởng đã diễn ra trong suy nghĩ của mỗi người. "Ba ngày đầu sang Moldova, cảm xúc mọi người rất hỗn loạn, ở hay là về, rất trăn trở. Trời rất là lạnh. Trong đoàn người di tản có nhiều cháu nhỏ. Có những cháu bé chỉ 1-2 tháng tuổi phải đi cùng người lớn trên những chặng đường xa. Một cháu nhà tôi bị sốt và hiện tại vẫn còn đang ho. Cũng có rất nhiều cháu bé bị ốm nữa. Tôi rất thương các cháu. Lúc đấy, mọi người chỉ còn biết động viên nhau, ‘còn người còn của, mất mát, sau này mình làm lại’," chị Vân xúc động chia sẻ.

Những hoang mang, lo lắng của mọi người gần như được giải tỏa khi họ tiếp tục di tản sang Romania. Tại đây, chị Vân cho biết, chị và bà con kiều bào rất hạnh phúc khi nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình, trách nhiệm của Đại sứ quán.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Romania sang tận nơi trao đổi, động viên bà con và dẫn đoàn, 120 công dân được chở trên 2 chiếc xe buýt từ Moldova sang Romania. Sau 3 ngày ở Romania, hơn 200 công dân Việt Nam đã được may mắn trở về quê hương trên chuyến bay đầu tiên.

"Trong quá trình ở Moldova và Romania, các cơ quan, ban, ngành Việt Nam và hội thiện nguyện của nước sở tại rất tạo điều kiện cho những người Việt. Họ giúp đỡ rất nhiệt tình, từ chỗ ăn, chỗ ở. Mặc dù có thể không được như nhà mình, nhưng trong hoàn cảnh như thế, chúng tôi cảm thấy rất ấm áp và đặc biệt là có sự quan tâm của Bộ Ngoại giao, của các cơ quan chức năng,cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở Romania, bà con cảm thấy rất ấm áp và vinh dự được bay chuyến bay bảo hộ công dân đầu tiên từ Romania trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình, quê hương," chị Vân chia sẻ.

Nói về dự định trong tương lai sắp tới khi trở về Việt Nam, chị Vân cho biết không chỉ riêng bản thân và gia đình chị mà hầu như toàn bộ người Việt sơ tán khỏi Ukraine chưa có dự định gì, vì chiến tranh diễn ra quá bất ngờ và mọi người chưa có bất cứ sự chuẩn bị nào.

"Trước đây vài ba tháng khi có sự căng thẳng, mọi người cũng suy nghĩ đi về Việt Nam hay ở lại để làm ăn tiếp, nhưng đến lúc chiến sự bùng nổ, không ai có sự chuẩn bị gì cả. Bây giờ trở về quê hương, trước hết chúng tôi tôi sẽ về thăm gia đình, thăm bố mẹ, gặp gỡ mọi người và nghỉ ngơi một thời gian ngắn rồi bắt đầu mới có những dự định, vạch kế hoạch ra để làm," chị Vân tâm sự.

Cũng có suy nghĩ như chị Vân, ông Nguyễn Kim Cường (60 tuổi, quê Hưng Yên) tâm sự, ông sống ở Ukraine 34 năm, làm nghề kinh doanh đồng hồ. Chiến sự nổ ra, ông và bà con người Việt sở tại quặn lòng để lại tất cả nhà ở, cửa hiệu và nhiều tài sản có được sau nhiều năm vất vả làm ăn ở nơi xứ người để hồi hương.

"Bây giờ về nước, chỉ còn cách xin việc ở quê nhà và cố gắng gượng, hy vọng tình hình ổn định, sẽ lên kế hoạch quay lại, còn không, xác định là mất trắng," ông Cường chia sẻ.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác
Nông dân trong tỉnh đã bước đầu hình thành thói quen thu gom rác thải nông nghiệp nguy hại vào các bể chứa tại đồng ruộng.

Anh Nguyễn Minh Tuyên - nông dân xã Việt Thành cho biết: "Mấy năm trước, gia đình nuôi cá nhưng không hiểu sao cá nấm, bệnh chết nhiều. Đến khi cán bộ vào cuộc tìm hiểu thì mới biết là do những chai, lọ thuốc trừ sâu chúng tôi vứt ở các mương trạch làm ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại kinh tế của chính bản thân. Giờ đây, tôi đã thay đổi, không chỉ thu gom rác thải nông nghiệp đúng chỗ mà còn thu xếp gọn gàng và xử lý đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch”.

Một phiên tòa xét xử do Tòa án nhân dân huyện Trấn Yên tổ chức.

Năm 2021, Tòa án nhân dân huyện Trấn Yên đã thụ lý 232 vụ, việc; xét xử và giải quyết 179 vụ, việc, đạt tỷ lệ 77,16%.

Đoàn Thanh niên xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ ra mắt tổ tự quản về an ninh trật tự.

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở Đoàn phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm ma túy; rà soát, nắm số lượng và tổ chức cảm hóa, giáo dục thanh niên chậm tiến; tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy (PCMT).

Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ thị trấn Nông trường Liên Sơn lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021- 2026 ra mắt tại Đại hội.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các xã, thị trấn ở huyện Văn Chấn đã bám sát định hướng của cấp trên, chuẩn bị chu đáo các điều kiện và tổ chức thành công Đại hội Hội CTĐ nhiệm kỳ 2021- 2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục