Năm 2021, tình hình dịch bệnh mùa hè trên địa bàn huyện Yên Bình tương đối ổn định, các bệnh thông thường xuất hiện rải rác ở 24 xã, thị trấn như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, tay - chân - miệng… với khoảng 130 ca cúm mùa, 18 ca tiêu chảy, 4 ca quai bị, 54 ca thủy đậu, 180 trường hợp phơi nhiễm dại, 4 ca tay - chân - miệng... đều được điều trị kịp thời, nên không có tử vong.
Theo dự báo, năm 2022, diễn biến các dịch bệnh mùa hè sẽ tương đối phức tạp, trong đó bệnh lây theo đường tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy do E coli...), bệnh do véc tơ truyền bệnh (viêm não Nhật Bản B, xuất huyết...), hay các bệnh lưu hành như bệnh dại, cúm, sởi... cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong khi Yên Bình là cửa ngõ của tỉnh, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào là rất cao thông qua khách du lịch, người lao động từ nước ngoài về, người đi đến từ các ổ dịch trong nước có khả năng lây lan cao nếu không được giám sát chặt chẽ.
Bác sĩ Chuyên khoa I Hoàng Minh Đô - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: "Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch, đưa ra các tình huống và giải pháp phòng, chống cụ thể. Một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng, chống các loại bệnh dễ phát sinh, dịch bệnh nguy hiểm.
Mặt khác, Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và vật tư cho công tác phòng, chống các dịch bệnh mùa hè. Bên cạnh đó, thường xuyên tiến hành kiểm tra, vận hành các thiết bị máy móc phục vụ phòng, chống dịch đảm bảo nếu có dịch xảy ra sẽ sẵn sàng chủ động ứng phó”.
Ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này, hầu hết các xã, thị trấn đã triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa hè tới từng khu dân cư, như: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh… Song, với địa bàn rộng, các xã vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt…, trong khi đó, cán bộ y tế ở cơ sở còn thiếu, một số trạm y tế đã xuống cấp chưa đáp ứng kịp thời nên công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè trên địa bàn huyện sẽ gặp không ít khó khăn.
Khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, đối tượng dễ mắc nhất vẫn là trẻ em, như bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi; bệnh tay - chân - miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 91%); bệnh quai bị thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên; bệnh thủy đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi (chiếm 90%); bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ từ 3 - 5 tuổi.
Bác sĩ Hoàng Minh Đô cho biết thêm: "Trong thời điểm giao mùa, Trung tâm triển khai đồng loạt tiêm phòng các loại bệnh cho trẻ em trên toàn huyện, như: vắc-xin sởi, bại liệt… Cùng với đó, bản thân người dân cần nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe, tham gia vào phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Khi phát hiện bệnh không tự ý điều trị tại nhà mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng...”.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè đạt hiệu quả, ông Nguyễn Lê Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động tham mưu cho chính quyền, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể huy động nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè.
Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch để người dân hiểu, thực hiện; các trường học, cơ sở kinh doanh ăn uống quản lý sức khỏe nhân viên chặt chẽ, lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Song song với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan diện rộng, thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo, thông tin báo cáo các bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của Bộ Y tế”.
Trần Minh