Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ có trên 1.400 hội viên, trong đó 90% là dân tộc thiểu số, sinh hoạt tại 9 chi hội, trong đó vẫn còn chi hội ở thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đời sống của hội viên chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, với vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Lường Thị Thiết luôn đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Chị cùng cán bộ trong Ban Chấp hành Hội phối hợp với các ban, ngành chuyên môn của xã xuống từng gia đình rà soát, đánh giá các hộ hội viên theo tiêu chí hộ nghèo, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hội viên để lập danh sách giúp đỡ thoát nghèo, đăng ký các lớp đào tạo nghề phù hợp với trình độ và điều kiện thực tế của hội viên. Bản thân chị tích cực nghiên cứu quy trình, thủ tục hồ sơ, tuyên truyền vận động hội viên thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác.
Nhờ đó, Hội LHPN xã là đoàn thể đầu tiên mạnh dạn tuyên truyền, vận động hội viên thành lập Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Phúc Sơn ra mắt vào tháng 7/2020. Hiện, Hợp tác xã có 20 hội viên tham gia, hoạt động ở 18 lĩnh vực ngành nghề, tạo việc làm cho hàng chục hội viên với thu nhập ổn định.
Đến nay, Hội duy trì hoạt động của 12 tổ hợp tác, nổi bật là mô hình Tổ hợp tác Sản xuất mây tre song đan Chi hội bản Lụ 2 với 29 thành viên, tạo việc làm cho chị em lúc nông nhàn với mức thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Hội cũng duy trì có hiệu quả hoạt động ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý không có nợ quá hạn, hộ được vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều mô hình hội viên phát triển kinh tế giỏi cho thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm.
Mong muốn vừa giữ gìn nét văn hóa văn nghệ của địa phương đang dần bị mai một vừa tạo môi trường thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ, chị Chu Thị Sinh - Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Lai rất năng nổ trong việc vận động thành lập đội văn nghệ nữ. Bản thân chị Sinh là đội trưởng. Các thành viên cùng nhau tự sưu tầm các làn điệu hát then cổ, hát dân ca Tày, hát khắp Tày… tự biên và đặt lời mới cho các bài hát dân ca với nội dung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động con cháu hiếu thuận; cha mẹ, ông bà mẫu mực...
Những nghệ nhân cao tuổi truyền dạy các nét văn hóa truyền thống cho người trẻ như các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, thổi sáo… Từ khi thành lập vào năm 2016 đến nay, đội văn nghệ đã tham gia rất nhiều cuộc buộc biểu, giao lưu trong và ngoài tỉnh, dần trở thành một sân chơi thu hút nhiều chị em tham gia.
Chị Trần Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Hán Đà, huyện Yên Bình lại năng động, linh hoạt trong sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền về công tác Hội trong hội viên phụ nữ, mang lại hiệu quả rõ nét. "Nhận thấy rõ lợi thế mạng xã hội là một yếu tố thuận lợi trong công tác tuyên truyền nên Ban Thường vụ Hội LHPN xã xác định cần tận dụng, tranh thủ để đẩy mạnh tuyên truyền công tác Hội và phong trào phụ nữ” - chị Trần Thị Hồng Hạnh chia sẻ. Bởi vậy, chị đã chỉ đạo Hội LHPN xã thành lập trang Facebook của Hội, nhóm Zalo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội và của Hội LHPN xã.
Thông qua các trang Facebook, Zalo, Hội đã thường xuyên tuyên truyền, cập nhật, chia sẻ thông tin nhanh nhất về các mô hình hay, cách làm hiệu quả, hành động thiết thực để hội viên thực hiện. "Việc thành lập nhóm zalo trong hệ thống Hội đã tạo sự kết nối, tương tác giữa Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội với hội viên phụ nữ và là cánh tay nối dài của tổ chức Hội trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ và nhân dân.
Thông qua việc ứng dụng mạng xã hội, các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động đạt kết quả. Các thông tin về hoạt động Hội và phong trào phụ nữ được hội viên, phụ nữ biết đến rộng rãi hơn, tạo ra những hiệu quả nhất định trong xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh - chị Hạnh khẳng định.
Thu Hạnh