Nhiều địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn hoặc nghề trồng rừng, nhất là cây quế phát triển, nhiều ngày nay không có mưa, cảnh báo nguy cơ cháy rừng đang mức cao. Ẩn họa cháy, nổ còn đến từ việc chập điện, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan, đơn vị còn ở mức thấp.
Những ngày qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trước đó, tại thị xã Nghĩa Lộ, "bà hỏa” cũng đã ghé thăm một số ki-ốt trong chợ Mường Lò, rất may không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản cũng không hề nhỏ.
Trên địa bàn tỉnh ít xảy ra tình trạng cháy rừng, đó là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động, nhờ đó ý thức trách nhiệm của người dân được nâng cao, kiến thức đốt nương an toàn, kỹ thuật được trang bị kỹ lưỡng và người dân luôn cẩn trọng với củi lửa khi lên rừng.
Tại khu vực nông thôn, cháy nhà do bất cẩn trong khi đun nấu cũng không còn xảy ra, nguyên nhân được xác định là nhà cửa của đồng bào được xây dựng kiên cố, không sử dụng vật liệu tranh tre, nứa lá cũng có tác dụng rất lớn ngăn ngừa hỏa hoạn. Cháy, nổ và nguy cơ dẫn đến cháy nổ ở Yên Bái chủ yếu đến từ chập điện, đặc biệt là những ngôi nhà vừa để ở vừa để sản xuất, kinh doanh.
Các chuyên gia đều nhận định, cháy do nguyên nhân chập điện luôn chiếm tỷ lệ rất cao. Thực tế, công suất tiêu thụ điện năng trong các hộ tăng theo từng năm.
Nếu như trước đây, một hộ chỉ có vài ba bóng điện, mấy cái quạt, cái tủ lạnh nhỏ thì bây giờ số bóng điện thắp sáng đã tăng lên gấp mấy lần, quạt điện đủ loại, từ quạt đứng, quạt trần, quạt treo tường đến quạt âm tường để thông, hút gió; tủ lạnh cũng tăng thể tích, tăng công suất gấp hai, ba lần; đặc biệt là máy điều hòa nhiệt độ, công suất từ 9.000 BTU đến 18.000 BTU rồi 24.000 BTU.
Thiết bị điện nhiều, đi kèm với công suất tăng là thế, trong khi nhiều gia đình có đường dây dẫn điện được thiết kế, lắp đặt từ rất lâu với tiết diện nhỏ nên tình trạng quá tải là phổ biến. Dây dẫn quá tải sẽ sinh nhiệt làm chảy vỏ nhựa cách điện… chập cháy tất yếu xảy ra; nguy hiểm hơn, nhiều hộ có đường dây dẫn điện chắp vá, làm tạm bợ, không được lắp đặt bởi thợ lành nghề, các điểm đấu nối là vị trí dễ sinh ra chập cháy nhất.
Anh Nguyễn Quang Minh - chủ một cơ sở làm dịch vụ lắp đặt thiết bị điện ở thành phố Yên Bái cho biết: "Mọi người cần rà soát lại hệ thống điện trong gia đình xem có đảm bảo an toàn hay không? Dây dẫn, thiết bị an toàn… có phù hợp với thiết bị điện và tổng công suất tiêu thụ điện hay không? Khi aptomat tổng liên tục nhảy, nhất định chúng ta phải kiểm tra lại toàn bộ thiết bị điện bởi nguy cơ chập cháy đã ở mức rất cao”.
Thượng tá Nguyễn Kim Oanh - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) - cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh nhận định: "Những khu dân cư đông đúc, nhà dân vừa để ở vừa làm nơi sản xuất, kinh doanh, bày bán hàng hóa là những nơi có nguy cơ cháy, nổ rất cao, bên cạnh những hóa chất, vật liệu dễ cháy là tình trạng hàng hóa, đồ đạc được bày biện thiếu ngăn nắp, gần nơi đun nấu; càng nguy hiểm hơn khi nhà dân chỉ có một cửa ra vào duy nhất, không có lối thoát hiểm, tầng 2, tầng 3 được hàn song sắt "chuồng cọp” kiên cố… Nếu không may bất cẩn, xảy ra hỏa hoạn thì việc cứu chữa, thoát hiểm gặp rất nhiều khó khăn, khả năng thiệt hại về người và tài sản là rất lớn”.
Trong khi nguy cơ cháy, nổ là rất cao, nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và của đã diễn ra, một bộ phận không nhỏ người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị trường học… vẫn rất chủ quan với "giặc lửa”. Tình trạng thiếu hiểu biết về kiến thức PCCC, không tự trang bị kỹ năng thoát nạn khi cháy xảy ra là khá phổ biến; nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn ngại đi dự các lớp tập huấn PCCC, không chịu đầu tư mua sắm các trang thiết bị PCCC.
Lê Phiên