Trung tâm Y tế huyện Văn Yên là 1 trong 2 đơn vị đầu tiên của tỉnh thành lập đơn vị đột quỵ năm 2021 nhờ được chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết từ Bệnh viện Bạch Mai. Đến nay, Trung tâm đã điều trị cho trên 30 bệnh nhân đột quỵ ổn định sức khỏe.
Bà Lê Thị Xuân, thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái, huyện Văn Yên chia sẻ: Tôi đau đầu dữ dội, sau đó thì không nói được, mất dần ý thức, được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện.
Tại đây, được các bác sĩ chẩn đoán bị đột quỵ. Sau 3 ngày được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc, sức khỏe của tôi dần ổn định. Việc triển khai các kỹ thuật hiện đại của y học tại địa phương đã giúp gia đình tôi và nhiều bệnh nhân khác có cơ hội được cứu sống, giảm được các khoản chi phí khi phải chuyển tuyến trên...
Bác sĩ Cao Ngọc Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Từ Dự án hợp tác y tế với Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm đã cử 42 lượt y, bác sĩ đi đào tạo trong các lĩnh vực như: quản lý bệnh viện, kiểm soát nhiễm khuẩn, các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng…
Các cán bộ được chuyển giao đều đã phát huy hết khả năng. Đến nay, đã có 27 người bệnh đang được chạy thận nhân tạo, 31 trường hợp đã được cấp cứu đột quỵ bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết và trên 1.800 trường hợp nội soi can thiệp tại Trung tâm. Vì vậy, đã rút ngắn thời gian điều trị, giảm tỷ lệ chuyển tuyến”.
Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Yên Bình cũng thường xuyên cử cán bộ đi đào tạo các lớp ngắn hạn, trung hạn tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong năm 2020 và 2021, Trung tâm đã cử 25 cán bộ đi đào tạo dài hạn từ 6 tháng trở lên; 65 cán bộ được đào tạo ngắn hạn các kỹ thuật điện tâm đồ, điện não đồ, siêu âm tổng quát, chẩn đoán hình ảnh, cấp cứu cơ bản, tiêu sợi huyết...
Ngoài ra, Trung tâm còn mời các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai tới Trung tâm và hỗ trợ qua hệ thống KCB từ xa Telemedicine cùng hội chẩn, hỗ trợ phẫu thuật cho bệnh nhân ngay tại Trung tâm.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Song Hào - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Bình cho biết: "Nhờ triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án, Trung tâm đã đưa nhiều kỹ thuật mới vào công tác KCB. Từ đó, lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm, người dân được thụ hưởng và tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương nơi mình sinh sống. Kết quả là sự hài lòng của người bệnh ngày một cao hơn: năm 2021 là 96,1%, tăng so với năm 2020 tăng gần 12%.
Là cánh chim đầu đàn của ngành y tế Yên Bái, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai hiệu quả Dự án "Hợp tác phát triển toàn diện về y tế giữa UBND tỉnh Yên Bái và Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2017 - 2021”.
Theo đó, Bệnh viện đã đưa các kỹ thuật cao chuyên sâu vào KCB, phẫu thuật nội soi, thay khớp gối, khớp háng, tái tạo dây chằng, cột sống, sọ não, chụp và can thiệp trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền…
Hiện, tỷ lệ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại Bệnh viện đạt trên 86%... Nhờ đó, số lượng bệnh nhân đến KCB tại bệnh viện ngày càng tăng, tỷ lệ chuyển tuyến giảm.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Lan Anh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Bệnh viện đã phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu đáp ứng yêu cầu KCB của nhân dân. Năm 2021, Bệnh viện đã thực hiện KCB cho trên 130 nghìn lượt người bệnh, đạt 104% kế hoạch năm; tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt trên 98,58%; các chỉ số chất lượng chăm sóc người bệnh đều đạt mức cao, từ 90 - 96%.
Thành công bước đầu từ Dự án "Hợp tác phát triển toàn diện về y tế giữa UBND tỉnh Yên Bái và Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2017 - 2021” đã góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ KCB tại các cơ sở y tế của tỉnh một cách bền vững, nhất là KCB cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ y tế cao, có chất lượng ngay tại tuyến huyện, tỉnh, góp phần từng bước đưa Yên Bái trở thành trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao của khu vực Tây Bắc.
Minh Huyền