Các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh ATTP đối với sức khỏe con người.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP được ban hành đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để quản lý, thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý về ATTP từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, củng cố, kiện toàn và ngày càng phát huy hiệu quả. Việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được quan tâm chú trọng.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP, công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã được các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP, các ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và địa phương quan tâm phối hợp thực hiện.
Tuy nhiên, việc bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: tình trạng sản xuất, kinh doanh (SXKD), mua bán thực phẩm không bảo đảm vệ sinh ATTP còn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở những nơi tập trung đông dân cư, công nhân trong các nhà máy; SXKD thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm; số lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn ít...
Để nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, tỉnh vừa triển khai Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 17/2/2022 về công tác bảo đảm ATTP năm 2022 trên địa bàn. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao kiến thức, thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng; trong đó, đảm bảo 85% cán bộ làm công tác bảo đảm ATTP từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn được cập nhật các văn bản và kiến thức về ATTP thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tập huấn.
75% người sản xuất, chế biến, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và chủ cơ sở được cập nhật kiến thức về ATTP; tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống quản lý ATTP, duy trì hoạt động phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025: 2017 và năm 2022 mở rộng thêm từ 1 - 3 chỉ tiêu phù hợp theo ISO 17025: 2017.
Tập trung giải pháp để cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm ATTP trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó, Sở Y tế đảm bảo 80% cơ sở thực phẩm thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được cấp giấy chứng nhận; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo 75% cơ sở SXKD thực phẩm nông lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được cấp giấy chứng nhận; 70% cơ sở SXKD nông lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được tổ chức ký cam kết và được kiểm tra sau khi ký cam kết.
Riêng đối với các cơ sở SXKD thực phẩm có nguồn gốc động vật (trừ động vật thủy sản) đảm bảo 40% cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được tổ chức ký cam kết và được kiểm tra sau khi ký cam kết; 10% diện tích sản xuất nông lâm, thủy sản được áp dụng mô hình sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về bảo đảm ATTP; đẩy mạnh xây dựng mô hình và mở rộng SXKD sản phẩm thực phẩm an toàn; tăng cường kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP.
Tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện quản lý nhà nước về ATTP; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ giám sát ATTP thôn, tổ dân phố, tổ giám sát ATTP tại các chợ.
Các cơ quan chức năng tập trung quản lý chặt chẽ hoạt động SXKD thực phẩm; quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông sản, thực phẩm và sử dụng chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra liên ngành về ATTP, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp, không gây phiền hà cho doanh nghiệp; tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích nguy cơ về ATTP để kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý triệt để theo quy định.
Quang Thiều