Bà Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch HPN huyện cho biết: "Hằng năm, Hội đã tổ chức ký cam kết thi đua tới 100% hội cơ sở và hội viên về triển khai các phong trào thi đua như: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, "Phụ nữ Lục Yên với môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đô thị văn minh”, gắn với học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Hình thức tuyên truyền đa dạng phong phú đã thúc đẩy các phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo hội viên tham gia”.
Với lực lượng lao động nữ chiếm 50% trong sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thương mại, thời gian gần đây, nhiều hội viên đã luôn đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, mạnh dạn đầu tư ngành nghề nhằm phát triển sản phẩm mới gắn với xây dựng mô hình theo chuỗi sản phẩm và xây dựng sản phẩm được chứng nhận OCOP như: lạc nhân ri, dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, vịt bầu Lâm Thượng, măng mai, xúc xích thỏ…
Đang duy trì và phát triển một số sản phẩm theo hướng chế biến sâu có giá trị kinh tế cao như: dệt thổ cẩm của hội viên Triệu Thị Nhậy, xã Phúc Lợi; chế tác đá mỹ nghệ của hội viên Đặng Thị Tuyết, xã Tân Lĩnh; sản xuất tranh đá quý của hội viên Nguyễn Thị Nguyệt, thị trấn Yên Thế…
Thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chương trình phụ nữ chung tay XDNTM, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động tiêu biểu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường (VSMT), duy trì các tuyến đường "Phụ nữ chung tay giữ gìn VSMT”, trong đó HPN các xã: An Lạc, Trúc Lâu, Mai Sơn… được chỉ đạo làm điểm, đến nay mô hình đã được nhân rộng trên phạm vi toàn huyện.
Qua đó, hàng năm, hội viên tham gia gần 15.000 lượt ngày công VSMT đường làng, ngõ xóm, đào hố rác VSMT; xây dựng 105 đoạn đường hoa; hoàn thành 16 "Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa tái chế; 161 lò đốt rác mi ni…
Tại xã Tân Phượng, hội viên còn thành lập Câu lạc bộ hạn chế sử dụng túi nilon và khuyến khích hội viên sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, gắn với nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như dùng làn bằng tế, giỏ tre, túi vải khi đi chợ… làm thay đổi về nhận thức, hành vi cho hội viên trong giữ gìn VSMT tại gia đình và nơi công cộng.
Để giúp hội viên trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm, hàng năm, Hội đã phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể mở gần 100 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi…
Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh, Trường Trung cấp Nghề huyện, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện mở các lớp học nghề về may công nghiệp, mây tre đan, trồng trọt, chăn nuôi… cho trên 4.000 lượt hội viên tham gia.
Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thông qua 101 tổ tiết kiệm vay vốn, tạo điều kiện cho 3.652 hộ vay vốn với số tiền trên 177 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các hội cấp cơ sở còn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ phụ nữ nghèo, khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó…
Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 vừa qua, các cơ sở hội đã ủng hộ nhiều nhu yếu phẩm như: 4.825 kg gạo, 216 kg lạc, 4.594 quả trứng, 454 kg thịt cá, 1.578 kg rau củ quả các loại, 1.156 chai nước sát khuẩn, 850 hộp khẩu trang… tại các điểm chốt phòng dịch với tổng trị giá trên 523 triệu đồng.
Qua các phong trào thi đua, hàng năm đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, kết quả bình xét 100% tổ chức hội cơ sở đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó, 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều tập thể, cá nhân đã được nhận bằng khen, giấy khen điển hình trên mọi lĩnh vực.
Thạch Phong