Để có được như ngày hôm nay, hơn chục năm trở lại đây, đồng bào Mông ở thôn Đồng Ruộng đã mạnh dạn đưa cây tre măng Bát độ, cây quế về trồng. Ông Giàng A Sáu - Trưởng thôn cho biết: "Hơn chục năm trước, thôn Đồng Ruộng là thôn đặc biệt khó khăn của xã, do ở xa trung tâm xã và có gần 40 hộ, hơn 200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông nên đời sống kinh tế - xã hội rất khó khăn như: không điện lưới, đường thôn là đường đất, chỉ gieo cấy 1 vụ lúa nước nên thiếu đói lương thực... Để tháo gỡ khó khăn, thôn được Nhà nước, chính quyền các cấp, các ngành đầu tư nhiều nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đường nông thôn, điện lưới quốc gia, nhà văn hóa... được nâng cấp, kiên cố hóa, tạo thuận lợi giúp nhân dân nâng cao đời sống”.
Cùng với các chương trình đầu tư về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn thì "đòn bẩy” quan trọng nhất giúp thôn Đồng Ruộng khoác lên mình tấm "áo mới”, đó là các chính sách về hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Trong đó, có cây tre măng Bát độ. Cụ thể, năm 2004, theo chủ trương của huyện, xã Kiên Thành đưa cây tre măng Bát độ vào trồng ở thôn Đồng Ruộng.
Để tạo niềm tin cho nhân dân, Trưởng thôn Giàng A Sáu tiên phong trồng trước cả héc-ta, rồi ông chú trọng tuyên truyền, vận động bà con cùng trồng, nên cây tre măng Bát độ đã được nhân dân trong thôn đón nhận tích cực.
Nhờ chăm sóc tốt, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, nên ngay những lứa tre trồng đầu tiên đã cho năng suất, chất lượng măng cao, được doanh nghiệp thu mua hết, đã tạo động lực để nhân dân phát triển mạnh loại cây trồng này. Giờ đây, cây tre măng Bát độ đã trở thành cây trồng chính, được nhân dân tận dụng mọi diện tích đất trống để trồng.
Hiện, toàn thôn đã trồng được trên 140 ha, mỗi năm cho thu nhập hơn 6 tỷ đồng. Cùng đó, nhân dân còn tận dụng nhiều diện tích đất đồi rừng để trồng quế và thôn hiện có trên 46 ha quế, mỗi năm cho khai thác trên 40 tấn vỏ tươi cùng hàng trăm tấn cành lá, tận thu gỗ quế để mang lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng.
Lợi ích kinh tế từ rừng đã thúc đẩy nhân dân trong thôn đoàn kết, chung tay quản lý, bảo vệ tốt gần 200 ha rừng phòng hộ để giữ nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt và gieo cấy 2 vụ lúa/năm với trên 14 ha ruộng nước để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.
Vài năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế được nâng lên, cùng với phát triển nông, lâm nghiệp, thôn Đồng Ruộng đã có nhiều hộ chuyển sang phát triển các ngành nghề, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, điển hình như hộ ông Giàng A Chư và ông Giàng A Mang đầu tư mua 3 giàn máy thêu thổ cẩm về dệt hoa văn để may trang phục dân tộc Mông và tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động; 1 hộ mua máy xúc về làm dịch vụ...
Ông Dương Kim Hưng - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành bày tỏ: Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cũng như tinh thần đoàn kết, chăm chỉ lao động, tư duy nhạy bén trong tiếp cận các mô hình sản xuất mới, hiện đại để thay đổi kịp thời cung cách làm ăn.
Đến nay, thôn Đồng Ruộng được thay "áo mới”, với hệ thống đường giao thông được cứng hóa; 100% số hộ được sử dụng điện lưới và bình quân thu nhập đầu người đạt trên 43 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo còn 6/50 hộ vào cuối năm 2021; nhân dân có điều kiện mua sắm được 3 ô tô tải, 6 ô tô con, 3 máy kéo và 1 máy xúc về sử dụng và kinh doanh dịch vụ; trẻ em đều được đến trường học đúng độ tuổi, người già, phụ nữ, trẻ nhỏ được chăm sóc sức khỏe đảm bảo; các hủ tục được loại bỏ, không còn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống... Đây là điều kiện tốt để thôn Đồng Ruộng phấn đấu xây dựng thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
A Mua