Theo số liệu của ngành y tế Văn Yên, mùa hè năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 đã thu dung 1.456 ca bệnh như: 919 ca phơi nhiễm dại, 152 ca viêm kết mạc, 114 ca thủy đậu, 122 ca tiêu chảy… đã điều trị kịp thời và không có trường hợp tử vong.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lã Thị Liền cho biết: "Mặc dù hiện nay chưa phải là đợt nắng nóng cao điểm của mùa hè, nhưng thời tiết diễn biến thất thường là nguyên nhân có thể bùng phát các loại dịch bệnh. Những tháng đầu năm 2022, các bệnh truyền nhiễm thông thường mắc rải rác tại một số thôn ở các xã, thị trấn đã được theo dõi, giám sát và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, không có trường hợp tử vong".
Có được kết quả đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giám sát phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp dự phòng tích cực, giám sát các ca bệnh để có biện pháp xử lý thích hợp, khống chế không để lây lan thành dịch. Đồng thời tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân hình thành ý thức vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, so với cùng kỳ năm 2021 một số bệnh truyền nhiễm có chiều hướng giảm như: viêm kết mạc, phơi nhiễm dại, thủy đậu...
Trên cơ sở kế hoạch đề ra, ngành y tế Văn Yên đã khẩn trương theo dõi việc giám sát dịch bệnh trên địa bàn toàn huyện, đặc biệt là các ổ dịch cũ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời; tăng cường công tác giám sát từ phòng khám bệnh, khoa lây, trạm y tế xã và cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh dịch đầu tiên, kịp thời thu dung và điều trị bệnh nhân.
Đồng thời, tiến hành các biện pháp xử lý triệt để dịch không để lây lan ra diện rộng; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cách phát hiện các loại dịch bệnh và các biện pháp dự phòng tại cộng đồng; vận động người dân thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, khơi thông cống rãnh, thu dọn các dụng cụ phế thải, thả cá vào các bể chứa nước, phát quang bụi rậm quanh nhà. Bên cạnh đó, triển khai tập huấn chuyên môn nghiệp vụ công tác phòng, chống dịch cho cán bộ tuyến huyện, xã và thôn; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị cần thiết phục vụ khi có dịch xảy ra.
Tìm hiểu được biết, tất cả mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nhưng đối tượng dễ mắc nhất là trẻ em. Những ca bệnh tiêu chảy vào điều trị tại Trung tâm Y tế, trẻ em chiếm tỷ lệ khá cao đến 70%; bệnh tay - chân - miệng cũng thường xuất hiện ở trẻ trong độ tuổi từ 5 - 15 tuổi; quai bị thường gặp ở lứa tuổi thanh, thiếu niên; thủy đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi…
Bác sĩ Chuyên khoa II Cao Ngọc Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: "Chúng tôi đã và đang triển khai các biện pháp cụ thể đối với từng loại dịch bệnh nguy hiểm. Phối hợp chặt chẽ với các trường học chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè cho trẻ, xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, báo cho y tế địa phương để áp dụng các biện pháp phù hợp; liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để phối hợp giám sát, theo dõi sức khỏe học sinh".
"Đối với bệnh lây qua đường máu như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản cần có biện pháp chung của cộng đồng là vệ sinh môi trường để loại trừ các ổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, thực hiện nằm màn. Đối với bệnh lây qua đường hô hấp như: cúm, rubela… cần đeo khẩu trang phòng hộ khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Đối với cộng đồng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới tận mỗi người dân để họ biết cách tự phòng tránh”-Bác sĩ Chuyên khoa II Cao Ngọc Thắng cho biết.
Việc chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc phòng bệnh của mỗi cá nhân không chỉ đem lại những lợi ích về sức khỏe cho bản thân mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng, giúp phòng, tránh dịch chồng dịch, phòng ngừa sự quá tải trong kiểm soát bệnh tật.
Trần Minh