Với nhiều khó khăn như cơ sở vật chất, phương tiện tác nghiệp nhưng với tinh thần yêu nghề, không ngại vất vả, họ sâu sát với cơ sở để kịp thời phản ánh những thông tin trong đời sống xã hội - là "cầu nối” đưa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân nhanh và chính xác.
Trong những phóng viên nữ xông xáo, tích cực nhất của trung tâm TT - VH các huyện không thể không nhắc tới phóng viên Hồng Vân, công tác tại Trung tâm TT - VH huyện Văn Yên. Là Tổ trưởng Tổ Phóng viên - Tuyên truyền lưu động, ngoài công tác biên tập, viết theo định mức tin, bài hàng tháng, chị còn được phân công phụ trách chuyên mục an ninh - quốc phòng.
Trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề, điều làm phóng viên Hồng Vân phải suy nghĩ nhiều nhất đó là những lần tiếp xúc với tội phạm hoặc tham dự các phiên toà xét xử các vụ án hình sự. Chứng kiến những giọt nước mắt ăn năn, hối cải của đối tượng phạm tội, ánh mắt xót xa của thân nhân họ ám ảnh tâm trí khiến chị ý thức trách nhiệm hơn trong từng bài viết của mình, với mong muốn xã hội bớt đi những "mảng tối” và mỗi mảnh đời bớt đi những nỗi đau.
Phóng viên Hồng Vân chia sẻ: "Nghề báo là một nghề đặc biệt mà mỗi năm tuổi nghề, người phóng viên tích lũy thêm về kiến thức, vốn sống, cảm xúc và đặc biệt những trải nghiệm nghề mang lại. Và chỉ có đi để "tìm”, đi để "hiểu” thì ngòi bút của người viết mới thật sự trở nên "sắc” và "bén” hơn với thực tế cuộc sống quanh mình”.
Còn đối với huyện vùng cao Trạm Tấu, người phóng viên phải ngược núi, băng rừng là chuyện cơm ăn, thức uống hàng ngày để làm sao kịp thời đưa những thông tin ở cơ sở đến với người dân. Nhưng không phải đi là có thông tin ngay, họ phải lăn lộn, có khi ở vài ngày trong rừng, lên đến nương rẫy mới tìm được người cần gặp và để có được một tác phẩm hay, có khi phải đi mất vài ngày mới hoàn thành - đó cũng là trăn trở của phóng viên Lộc Chầm, Trung tâm TT - VH huyện Trạm Tấu.
Bước vào nghề từ năm 2009, anh được phân công thực hiện nhiệm vụ tại Tổ Phóng viên và Tuyên truyền lưu động.
Phóng viên Lộc Chầm tâm sự: "Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mỗi phóng viên làm việc với cường độ cao, sự đa năng, tính chuyên nghiệp cũng ngày càng được nâng lên. Tác nghiệp ở cơ sở chỉ có một mình, đặc biệt là khi tác nghiệp ở thể loại truyền hình, vừa quay phim, vừa cầm micrô phỏng vấn, vừa phải thu thập thông tin... thì đây là khó khăn của phóng viên ở huyện. Suốt quá trình làm báo của mình, tôi có tác phẩm được các cấp đánh giá và ghi nhận như: Trả nợ rừng, Bệnh lạ ở Trạm Tấu, Những cây phua chống dịch, Giải oan lá ngón...”.
Đối với phóng viên Quang Sơn ở Trung tâm TT - VH huyện Văn Chấn, gần chục năm cống hiến, trải qua biết bao gian khó, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nhưng cái "máu” nghề "đã cho anh những trải nghiệm quý.
Quang Sơn nhớ lại: "Vào tháng 7/2018, khi cơn bão số 3 đổ ập vào các xã vùng thượng huyện, các xã An Lương, Suối Quyền bị cô lập hoàn toàn. Tôi và anh Phan Tuấn được phân công tác nghiệp vào An Lương - nơi "tâm bão.
Xe máy chỉ đi đến được cầu Sơn Lương, còn lại phải đi bộ dưới cái nắng đỉnh điểm 11 giờ trưa. Tuyến đường bị sạt lở gần 300m, anh em ngược lên đồi quế, hai bờ cách có 300m nhưng phải đi vòng mất 3km. Gần tới nơi, tôi bị say nắng, anh Phan Tuấn phải dìu vào gốc cây để nghỉ ngơi.
Sau 5 giờ đi bộ, 2 anh em đã đến được thôn Vàng Ngần và tác nghiệp. Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục hành trình 7 km đến với thôn Mảm 1, xã An Lương, tiếp tục ghi hình, viết bài khắc phục bão lũ trên suốt hành trình công tác 3 ngày 2 đêm. Chúng tôi đã có những thước phim giá trị, những bức ảnh chân thực và thông tin kịp thời”.
Đó là những câu chuyện mà tôi được các bạn đồng nghiệp ở các huyện chia sẻ. Với họ, được dấn thân với nghề vừa là niềm hạnh phúc và tự hào.
Trần Minh