Để đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ lao động, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), trong đó đặc biệt ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi nhằm giúp cho doanh nghiệp, các ngành tuyển dụng có được nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng nhu cầu sử dụng; giúp người lao động tìm kiếm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động và ổn định thu nhập.
Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 về một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ là người lao động, học sinh đã tốt nghiệp THCS hoặc THPT là người DTTS hoặc người khuyết tật, người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an tham gia học nghề thuộc các nhóm ngành nghề phi nông nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ tiền ở không quá 600.000 đồng/người/khóa đối với đào tạo nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng); hỗ trợ 70% mức thu học phí theo chuyên ngành đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng đối với đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.
Ngay sau khi Nghị quyết số 12 được ban hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2021, trong đó có kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ở cho lao động tham gia đào tạo nghề.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể học sinh, sinh viên, nhân dân; đưa nội dung chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo Nghị quyết số 12 vào thông báo và nội dung tư vấn tuyển sinh của các nhà trường.
Năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ 70% học phí theo Nghị quyết số 12 cho 124 sinh viên cao đẳng, 13 sinh viên trung cấp tại 3 trường cao đẳng và 1 trường trung cấp của tỉnh; đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 20.462 người (đạt 113,7% kế hoạch), trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT là 4.341 người gồm 61% nghề nông nghiệp và 39% nghề phi nông nghiệp.
Nhờ đó, hết năm 2021, đã có 22.151 người được giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,83%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ là 33,21%. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 9.306 lao động (đạt 51,7% kế hoạch); 48 sinh viên trình độ cao đẳng được thực hiện chính sách hỗ trợ 70% học phí theo Nghị quyết số 12; các huyện, thị xã thành phố đang triển khai, thực hiện đặt hàng đào tạo nghề cho LĐNT theo chính sách hỗ trợ đào tạo với các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT luôn được các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm. Việc thực hiện hiệu quả chính sách này sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp nông dân làm kinh tế hiệu quả.
Từ đó, hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021- 2025, toàn tỉnh sẽ tuyển mới, đào tạo cho 90.000 người, trong đó có 75.000 LĐNT tham gia học nghề; hỗ trợ đào tạo nghề bình quân 4.000 lao động nông thôn/năm, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp chiếm từ 55 - 60%, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm từ 40 - 45%; phấn đấu có trên 85% LĐNT sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập cao hơn trước.
Hoài Anh