Tăng cường các hoạt động bình đẳng giới, tạo điều kiện để hội viên nâng cao trình độ, năng lực trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Để giúp hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ phát triển nông nghiệp thị xã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi cho trên 95% lượt hội viên tham gia.
Qua tập huấn, hội viên đã tích cực chuyển đổi diện tích canh tác sang thâm canh 3 vụ/năm, tham gia các mô hình trồng dưa hấu, trồng nấm rơm, ớt xuất khẩu; đầu tư phát triển kinh tế hộ theo mô hình VAC, mở rộng kinh doanh dịch vụ… góp phần mỗi năm tạo việc làm mới và thu nhập ổn định cho trên 200 hội viên.
Bà Hoàng Thị Mai - Chủ tịch HPN xã cho biết: "Không chỉ làm tròn vai trò là người vợ, người mẹ đảm đang, chị em còn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi để trở thành những công dân tốt. Tích cực tham gia thực hiện tốt Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như: giúp đỡ hộ nghèo, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, "Câu lạc bộ dinh dưỡng”, "CLB gia đình toàn mỹ”… góp phần gắn kết được tình cảm, tinh thần tương trợ, tình làng nghĩa xóm. Hàng năm có trên 95% gia đình hội viên đạt danh hiệu Gia đình văn hóa…”.
Chiếm trên 90% số hội viên có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, HPN xã đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển kinh tế, lao động việc làm cho hội viên.
Hội đã vận động hội viên tham gia các mô hình như: trồng dưa hấu thu hút 129 hội viên, trồng nấm rơm 25 hội viên, trồng ớt xuất khẩu 7 hội viên… Nhiều hội viên còn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư kinh doanh tổng hợp, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, dịch vụ cưới hỏi, dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ homestay…
Hiện nay, xã có 50 gia đình hội viên có thu nhập từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng/năm; 25 hộ thu nhập từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm và 15 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 200 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình các hội viên: Hoàng Thị Vui, Hà Thị Thịnh - Chi hội Bản Khinh; Vũ Thị Hương, Hồ Thị Vinh - Chi hội Khá Hạ; Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Hoài - Chi hội Khá Thượng…
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng thu hút trên 50% hội viên tham gia, tập trung phát triển một số ngành nghề chính như: xay xát, chế biến lương thực, may mặc và sản xuất các mặt hàng thổ cẩm truyền thống… phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, Hội tổ chức cho trên 95% gia đình ký cam kết tham gia và đã có 560/611 hộ hội viên đạt tiêu chí "5 không, 3 sạch”; xây dựng được 13 mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp”.
Các chi hội: Khá Hạ, Khá Thượng, Đồng Lơi, Bản Khinh, Bản Lý… còn duy trì hoạt động Mô hình "Tổ phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường (VSMT)”, thường xuyên quét dọn VSMT, trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa… tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Với việc triển khai hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động, Hội Phụ nữ xã Thanh Lương đã tạo được niềm tin với hội viên và nhân dân, trở thành "điểm tựa” tin cậy của hội viên phụ nữ trong xã.
Thạch Phong