Không dừng lại ở đó, người tổ trưởng còn có trách nhiệm học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để cùng tương trợ, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; đồng thời, phải giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng. Người mà chúng tôi đang nói đến những ông, bà Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) Ngân hàng CSXH - những người được ví là "cánh tay nối dài” của Ngân hàng CSXH Yên Bái.
Ông Đinh Trọng Hoài - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Bình tâm sự: "Công tác trong hệ thống Ngân hàng CSXH từ những ngày đầu mới thành lập, tôi hiểu rõ vai trò quan trọng của các ông, bà tổ trưởng tổ TK&VV. Các thành viên trong tổ đều là hàng xóm, là bà con thân thích, sống gắn bó trong một khu dân cư nên hiểu rõ tính cách, điều kiện hoàn cảnh của từng người, từng hộ gia đình. Nhờ vậy mà việc bình xét đối tượng vay vốn rất nhanh gọn và chính xác, qua đó vốn nghèo mới đến đúng hộ nghèo. Tổ trưởng và các thành viên còn tương trợ lẫn nhau trong quá trình sử dụng vốn sao cho hiệu quả”.
Được biết, hiện nay toàn huyện Yên Bình có 328 tổ TK&VV, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đạt gần 600 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có trên 14 nghìn lượt hộ là khách hàng của Ngân hàng CSXH.
Với bà Lò Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện Văn Chấn thì đồng vốn chính sách không chỉ là nguồn lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. 20 năm qua, toàn huyện Văn Chấn có 36.661 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế, góp phần giúp cho trên 21.690 hộ thoát nghèo; hỗ trợ xây mới và cải tạo 10.940 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.772 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Từ đồng vốn chính sách thông qua đầu tư trồng cây ăn quả đã giúp nhiều hộ ở huyện Yên Bình có thu nhập ổn định.
Vốn tín dụng chính sách còn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Hiện nay, huyện Văn Chấn có 345 tổ TK&VV, đồng nghĩa với đó là có 345 tổ trưởng - những hạt nhân tiêu biểu, những đoàn viên, hội viên nhiệt tình có trách nhiệm ở 214 thôn, bản, tổ dân phố.
Bà Lò Thị Nga cho biết: "Tổ TK&VV là môi trường rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ tổ trưởng. Làm việc bằng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng thôn xóm, với phẩm chất đạo đức trong sáng, những anh, chị tổ trưởng tổ TK&VV đồng thời là những đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội thực sự là những hạt nhân tiêu biểu, là nguồn phát triển Đảng và là nòng cốt trong mọi phong trào tại địa bàn cơ sở”.
Nhiều năm liền là Tổ trưởng Tổ TK&VV ở thôn Thịnh Hưng, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, chị Phạm Thị Sang đã trở thành "bạn đồng hành” của nhiều hộ gia đình trong thôn. Được Hội Phụ xã tin tưởng, chị em hội viên trong Chi hội tín nhiệm, chị đã tham gia các lớp tập huấn, được những cán bộ của Ngân hàng CSXH huyện chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm duy trì hoạt động của tổ TK&VV ở cơ sở.
Xác định đã làm là phải tốt, để đồng vốn chính sách giúp chị em vươn lên trong cuộc sống, chị Sang luôn chịu khó học hỏi, nắm vững thủ tục quản lý nguồn vốn chính sách để hướng dẫn các thành viên trong tổ được vay vốn của Ngân hàng CSXH kịp thời và sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích. Ngoài thời gian dành cho công việc gia đình, chị Sang tranh thủ đến nhà từng tổ viên để tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng và vừa trực tiếp kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của họ. Chị còn hăng hái đúc rút kinh nghiệm làm ăn để chia sẻ với các tổ viên của mình.
"Mỗi lần nhận được thông báo phân bổ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH, Tổ TK&VV sẽ họp bình xét dân chủ, công khai. Hộ gia đình phải trình bày rõ với các thành viên trong Tổ để sử dụng mục đích gì, kế hoạch ra sao, trả nợ thế nào. Đối với những trường hợp khó khăn, hoàn cảnh, bản thân người Tổ trưởng và các tổ viên phải có giải pháp hỗ trợ, tuyệt đối không để phát sinh nợ xấu làm ảnh hưởng đến phong trào chung” - chị Sang chia sẻ.
Hiện nay Tổ TK&VV Chi hội Phụ nữ thôn Thịnh Hưng có số dư nợ 1.830 triệu, 40 thành viên trong Tổ đều chắt chiu đồng vốn vay đầu tư vào những cây trồng chủ lực tại địa phương và phát triển chăn nuôi. Nhờ đồng vốn chính sách, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo. Vai trò của chị em phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên; nhiều phong trào lớn được chị em phụ nữ hưởng ứng, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên Bồ Thị Hoa khẳng định: "Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của vốn chính sách, đặc biệt là hoạt động ủy thác. Nhờ hoạt động này mà Hội Phụ nữ thu hút thêm được hội viên, làm phong phú và nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội. Thông qua việc vay vốn, sử dụng đồng vốn, tiết kiệm, tích lũy, nộp lãi, trả gốc… cho ngân hàng, chị em phụ nữ dần nâng cao kiến thức, tiếp cận được với nền sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống, nâng dần vị thế trong gia đình và xã hội, tạo ra bình đẳng giới".
"Trong quá trình nhận ủy thác, song song với việc lồng ghép hoạt động vay vốn với nhiều chương trình và phong trào của Hội, các cấp hội phụ nữ trong toàn huyện luôn chú trọng việc xây dựng đội ngũ tổ trưởng TK&VV. Chị em đứng ra đảm trách phần việc quan trọng này phải là người nhiệt tình, năng động và trách nhiệm cao; phải làm được, nói được, có vậy mới thu hút được hội viên, tổ viên, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của tổ, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”. Bà Hoa nói thêm.
Trong giai đoạn 2002-2022 đã có 101.277 lượt hộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái được vay vốn Ngân hàng CSXH với số tiền 1.097,4 tỷ đồng. Từ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ, nhân dân trong tỉnh đã đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới 230.750 ha rừng keo, quế, bồ đề, 12.550 ha chè, 4.415 ha cây ăn quả; mua 166.495 con trâu, bò; 113.564 con lợn; hàng triệu con giống gia súc, gia cầm khác; mở rộng hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới và cải tạo 70.204 công trình nước sạch, 69.130 công trình vệ sinh; 40.992 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ 9.082 hộ nghèo làm nhà ở; tạo thêm 26.955 việc làm mới cho người lao động; hỗ trợ 1.629 người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo; góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 3-4%.
Thống kê cho thấy, Yên Bái là địa phương có tỷ lệ nợ xấu rất thấp (dưới 1% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH); nhiều địa phương không phát sinh nợ xấu. Có được kết quả ấy là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhờ việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống Ngân hàng CSXH, nhất là lực lượng Tổ trưởng Tổ TK&VV - những "cánh tay nối dài” ở cơ sở. Họ làm việc với tất cả nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng, để mọi nhà trong thôn xóm, làng, bản, để mỗi gia đình đoàn viên, hội viên no ấm, tiến bộ, văn minh.
Lê Phiên