Toàn tỉnh đã thành lập và phát huy hiệu quả trên 200 đội thanh niên tình nguyện tập trung tại chỗ nhằm bảo tồn, tổ chức các hoạt động lễ hội; triển khai, cho ra mắt nhiều câu lạc bộ (CLB), mô hình, tiêu biểu như: CLB Giới thiệu quảng bá đất và người Mù Cang Chải tại xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải; Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ; mô hình "Tuổi trẻ quê hương Trấn Yên”; CLB Tuổi trẻ thành phố Yên Bái với hình ảnh quê hương; Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng tại Bản Khéo, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên…
Đặc biệt, tuổi trẻ Yên Bái đã cho ra mắt 32 mô hình "Thôn (bản) văn hóa thanh niên gắn với phát triển du lịch cộng đồng” tại 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh với trên 500 đoàn viên thanh niên tham gia thực hiện. Mô hình này được xây dựng nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên trong tuyên truyền, nâng cao đời sống văn hoá, phát triển kinh tế tại địa phương.
Cụ thể hóa Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành Hướng dẫn số 20-HD/TĐTN-TG ngày 15/3/2019 về triển khai các hoạt động "Tuổi trẻ Yên Bái tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Theo đó, 270/270 trường tiểu học, THCS, THPT Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã triển khai tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực như: tập võ cổ truyền, múa xoè, nhảy sạp, nhảy rumba, dân vũ, hành khúc Đội…
Tiêu biểu như: Liên đội Trường Tiểu học &THCS Minh Chuẩn (huyện Lục Yên) tập luyện môn võ cổ truyền; Liên đội Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Yên Bái) tập luyện 6 điệu xoè cổ của dân tộc Thái; Liên đội Trường TH&THCS Nghĩa Sơn (huyện Văn Chấn) tập luyện điệu múa của dân tộc Khơ Mú; Liên đội Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải) tập múa khèn Mông…
Cô giáo Phùng Thị Thuý Kiều - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Hồng Thái, thành phố Yên Bái cho biết: "Mô hình giờ ra chơi với các làn điệu dân tộc, điệu nhảy tập thể là hoạt động có ý nghĩa trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc tại địa phương, tạo điều kiện để các em học sinh giao lưu văn hoá, hướng đến xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn và hạnh phúc. Qua đó, bồi dưỡng những nét đẹp văn hoá, sự hiểu biết và tình yêu của thế hệ trẻ đối với các làn điệu dân tộc”.
Tại thị xã Nghĩa Lộ, các trường học đều xây dựng khuôn viên xanh, sạch đẹp, mang nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Thái; hình thành không gian trải nghiệm về văn hóa trong các nhà trường với các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, cà kheo, tó mắc lẹ, tung còn, đẩy gậy… và các câu lạc bộ văn hóa dân gian hát Khắp Thái, xòe cổ, học chữ Thái cổ.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạnh Sơn cho biết: "Mỗi một lớp học đều có góc học cộng đồng để trưng bày các sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương do chính các em học sinh sáng tạo nên. Mô hình này giúp các em học sinh hiểu hơn về văn hoá của đồng bào mình, từ đó gìn giữ và bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu đó”. Ngoài câu lạc bộ hát Khắp Thái, Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ duy trì hiệu quả các câu lạc bộ truyền thống, dân ca, nhạc cụ, trò chơi dân gian, xòe cổ…
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Triệu Trí Lộc cho biết: "Bản sắc văn hóa chính là "linh hồn” của đồng bào dân tộc thiểu số, phản ánh quá trình hình thành, phong tục, tập quán, lối sống của địa phương, vùng miền. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, tuổi trẻ Yên Bái đã và đang mong muốn góp sức mình trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc bằng những việc làm cụ thể. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Thu Trang