Ngay sau khi Nghị quyết số 11 có hiệu lực, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành hướng dẫn các cơ quan và UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện. Các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, đặc biệt là các ngành thành viên Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh đã tích cực phổ biến, tuyên truyền về chính sách Nghị quyết. Sở Tư pháp đã đưa nội dung Nghị quyết số 11 vào kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Các cấp hội đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong tuyên truyền, vận động hội viên với các hoạt động tuyên truyền chủ yếu được lồng ghép trong các phong trào của hội, chiến dịch tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ…
Đặc biệt, tại cấp huyện, UBND các huyện, thị xã đã giao chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai hàng năm cụ thể đến các xã; ban hành kế hoạch tổ chức các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ cụ thể…
Qua đó, từ tháng 5/2021 - 5/2022, đã có hàng trăm cuộc truyền thông nhóm qua các hình thức nói chuyện chuyên đề, tư vấn, sinh hoạt câu lạc bộ; gần 100 cuộc mít tinh, cổ động tại các xã với hàng chục nghìn người tham gia; gần 1.000 tin, bài tuyên truyền vận động KHHGĐ được phát trên hệ thống loa truyền thanh xã.
Bên cạnh đó là hoạt động tuyên truyền, vận động trực tiếp đến từng hộ gia đình của gần 400 nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số. Đội ngũ này đang là nòng cốt trong công tác tuyên truyền thực hiện các chính sách KHHGĐ đã được ban hành. Trong 1 năm qua (từ tháng 5/2021 - 5/2022), các chính sách của Nghị quyết số 11 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm sinh ở địa bàn các xã khu vực III và thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Năm 2021, có 4.692 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai mới. Số phụ nữ tại các địa bàn được hưởng chính sách từ Nghị quyết chấp nhận áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt tỷ lệ 69% và chiếm 51% tổng số biện pháp tránh thai chung của toàn tỉnh.
Chỉ tiêu giảm sinh năm 2021 đạt 0,3‰ - cao hơn mức sinh giảm chung của toàn tỉnh (mức giảm sinh chung toàn tỉnh năm 2021 là 0,23‰). Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 17,7% (cao hơn 4,3% so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh).
5 tháng đầu năm 2022, có 1.142 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai mới; tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 69%. Chỉ tiêu giảm sinh dự ước năm 2022 là 0,3-0,32‰. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên chiếm 18% tổng số trẻ sinh. Riêng số trẻ sinh là con thứ 3 tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu chiếm trên 20% tổng số trẻ sinh. Tổng kinh phí thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 11 đến hết tháng 5 là trên 2,6 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tại thời điểm hiện nay, các chính sách được ban hành tại Nghị quyết số 11 là nguồn lực quyết định trong thực hiện mục tiêu giảm sinh ở địa bàn các xã khu vực III và thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Ban Dân tộc - HĐND tỉnh cũng đánh giá, việc thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 11 trong thời gian qua cùng với những kết quả đạt được từ giai đoạn 2015 - 2020 góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm sinh ở địa bàn các xã khu vực III và thôn, bản đặc biệt khó khăn, từ đó tác động tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm sinh trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác dân số; đưa công tác dân số, đặc biệt là giảm mức sinh thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện chặt chẽ cơ chế phối hợp liên ngành trong tổ chức triển khai Nghị quyết tại cơ sở; tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ KHHGĐ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận dễ dàng, thuận tiện các dịch vụ…
Thu Hạnh