Một nhiệm kỳ thành công
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/9/2022 | 2:08:56 PM
YênBái - Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2017 - 2022, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, nhiệm kỳ vừa qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã nỗ lực, triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, tạo tiền đề vững chắc cho nhiệm kỳ mới.
Các đoàn viên thanh niên tình nguyện trong Chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2022 tại các điểm trường trên địa bàn thành phố Yên Bái.
|
>>Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ Yên Bái
>>Tuổi trẻ Yên Bái giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc
>>Nhóm bạn trẻ Nghĩa Lộ và ý tưởng khởi nghiệp từ tình yêu văn hóa Thái
Tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) vươn lên trong phát triển kinh tế, những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp, đồng thời triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực. Qua đó, khơi gợi trong ĐVTN ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu trên chính quê hương.
Triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ, phát triển phong trào thanh niên Yên Bái khởi nghiệp, giai đoạn 2019 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025”, Tỉnh đoàn Yên Bái đã tổ chức 8 cuộc thi "Ý tưởng, dự án thanh niên Yên Bái khởi nghiệp” trong đoàn viên, hội viên thanh niên toàn tỉnh, thu hút 1.339 ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi; phối hợp tổ chức 42 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh cho 2.640 ĐVTN; 5 diễn đàn khởi nghiệp thu hút gần 1.000 lượt ĐVTN, học sinh, sinh viên tham gia.
Cùng đó, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức chương trình đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên theo Chủ đề "Thanh niên Yên Bái với phát triển kinh tế - xã hội, khởi nghiệp, lập nghiệp” thu hút trên 1.000 lượt ĐVTN tham gia.
Thông qua chương trình đối thoại đã giúp cho các ĐVTN có cơ hội giao lưu, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những đề xuất của mình với các cấp, các ngành, đồng thời được định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho những ý tưởng khởi nghiệp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả để có thêm ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu.
Mô hình "Phủ xanh kinh tế” của Đoàn xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái.
Anh Nguyễn Anh Tuấn - sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: "Tham gia chương trình đối thoại đã giúp em nắm bắt thêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình kinh tế - xã hội tỉnh. Từ đó, có thêm quyết tâm, động lực phấn đấu trong học tập, góp sức xây dựng quê hương và tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.
Để giúp ĐVTN có vốn, kiến thức và tự tin, tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn đã duy trì và thành lập mới 1.080 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, 317 tổ hợp tác, 42 hợp tác xã và 37 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ; tổ chức 450 hoạt động tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền cho 20.000 lượt ĐVTN và nhân dân; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho ĐVTN vay với tổng dư nợ 713.246,74 tỷ đồng; giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho 18 dự án... Cũng trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp thực hiện tư vấn, hướng nghiệp cho 121.000 ĐVTN; giới thiệu việc làm cho 22.690 ĐVTN.
Công tác tư vấn hướng nghiệp tập trung vào đối tượng học sinh THPT, học sinh cuối cấp THCS thông qua việc tổ chức "Ngày hội việc làm”, "Ngày hội tư vấn hướng nghiệp”, hội thảo hướng nghiệp "Định hướng làm chủ cuộc đời”.
Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực này đã tạo động lực cho ĐVTN tự tin trên con đường lập thân, lập nghiệp. Đến nay, nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, xây dựng, phát triển thành những hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Điển hình như Hợp tác xã Bình An Coop, thôn Làng Mới, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên chuyên thu mua và sơ chế vỏ quế do Lý Hai, sinh năm 1992 làm chủ nhiệm, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 150 tấn vỏ quế tươi, sau khi trừ chi phí cho thu về 500 - 700 triệu đồng/năm tiền lãi và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động với mức lương trung bình 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn do đoàn viên Đỗ Tuấn Lương làm Phó Giám đốc đã mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ 4.0 trong quản trị điều hành sản xuất, kinh doanh, doanh thu của Hợp tác xã đã tăng từ 10 tỷ đồng lên gần 30 tỷ đồng/năm…
Để tiếp tục hỗ trợ, phát triển Phong trào "Thanh niên Yên Bái khởi nghiệp”, Tỉnh đoàn Yên Bái chỉ đạo tập trung xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác trong phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ; phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác cho thanh niên; tập trung hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; đa dạng các hình thức kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng, tăng cường phối hợp hỗ trợ hiện thực hóa, thương mại hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng và duy trì hiệu quả Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp để nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm của thanh niên.
KHẲNG ĐỊNH SỨC TRẺ
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, những năm qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh đã không ngừng phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần đưa Yên Bái sớm trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Tuổi trẻ xã Yên Thành, huyện Yên Bình tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã triển khai trên 10.350 công trình, phần việc thanh niên trị giá 130,4 tỷ đồng. Các công trình, phần việc của các ĐVTN không chỉ tập trung vào các hoạt động xây dựng hạ tầng nông thôn, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn tiên phong trong phát triển kinh tế ở nông thôn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể do thanh niên làm chủ.
Thông qua thực hiện các công trình, phần việc đã tạo môi trường cho ĐVTN rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, Hội, khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong thanh niên và xã hội.
Tiêu biểu trong nhiệm kỳ qua phải kể đến công trình "Hỗ trợ nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả cơn bão số 3” được Trung ương Đoàn công nhận là 1 trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2018; công trình "Con đường em đến trường” có chiều dài 117 km, tổng trị giá trên 50 tỷ đồng được Trung ương Đoàn công nhận là 1 trong 9 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2020; công trình làm mới 14 cầu giao thông nông thôn trị giá trên 7 tỷ đồng; công trình xây dựng mới 328 nhà nhân ái, nhà tình nghĩa; hỗ trợ, giúp đỡ 23.386 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 5 tỷ đồng...
Cùng với đó, phát huy tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, ĐVTN trong tỉnh tích cực Phong trào: "Ngày Chủ nhật xanh”; "Vì một Yên Bái xanh”, "Chống rác thải nhựa”...
Theo đó, đã trồng mới 1.200.000 cây xanh; tu sửa và làm mới trên 408 km đường giao thông nông thôn; khai hoang 75,5 ha ruộng bậc thang; thắp sáng 320 km đường quê; duy trì 173 tuyến đường "Thanh niên tự quản”; trao tặng 170 ngàn cây giống phát triển kinh tế rừng trồng, tạo thu nhập bền vững cho người dân tại các vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng và duy trì 25 tuyến phố văn minh "Sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn”; xây dựng và duy trì hiệu quả 146 mô hình công trường an toàn giao thông, 20 mô hình bến đò ngang an toàn, 260 đội thanh niên tình nguyện ứng trực, thanh niên tình nguyện liên ngành, tổ tự quản về an toàn giao thông.
Xung kích trong xây dựng nông thôn mới, ĐVTN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và tham gia thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Hiện tại, các cấp bộ đoàn đã triển khai hỗ trợ thanh niên xây dựng được 6 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao, gồm: rau cải mèo ở xã Y Can, huyện Trấn Yên; cao cà gai leo ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên; măng chua ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình; xúc xích thỏ ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên; điểm du lịch Hello Mù Cang Chải; điểm du lịch Homestay suối khoáng Hướng Kim, huyện Văn Chấn.
Ngoài ra, các chương trình: "Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, "Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân giải quyết thủ tục hành chính” cũng được tổ chức hiệu quả, tạo không khí sôi nổi trong tuổi trẻ toàn tỉnh và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái Đoàn Thị Thanh Tâm cho biết: "Tỉnh Đoàn Yên Bái sẽ tiếp tục lựa chọn những mô hình, cách làm hiệu quả để nhân rộng theo hướng có chiều sâu, bền vững trong toàn Đoàn. Đồng thời, triển khai kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các đợt tình nguyện cao điểm; đa dạng hóa nội dung các chương trình, hoạt động tình nguyện gắn với nhu cầu của đời sống xã hội; tuyên truyền, vận động ĐVTN tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sạch, xanh, bền vững; đặc biệt là phòng, chống và khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19... ”.
NHỮNG CÔNG TRÌNH, PHẦN VIỆC THANH NIÊN HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI Thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022 - 2027, từ đầu năm đến nay, các cơ sở đoàn toàn tỉnh đã thực hiện nhiều phần việc, công trình thanh niên ý nghĩa hướng về Đại hội, thu hút sự tham gia của đông đảo ĐVTN.
Đoàn viên thanh niên Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số.
Tuổi trẻ Yên Bái tham gia các hoạt động Hưởng ứng Chương trình "Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”. Tuổi trẻ thị xã Nghĩa Lộ tham gia xây dựng công trình sân chơi dành cho thiếu nhi - công trình chào mừng Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022 - 2027. |
Tags đoàn viên thanh niên Chỉ thị số 05 Thanh niên tình nguyện tuổi trẻ sáng tạo học tập khởi nghiệp lập nghiệp chuyển đổi số
Các tin khác
Theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thị xã Nghĩa Lộ có 14 xã, phường được công nhận là khu vực I.Như vậy, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của gần 33.400 người hết giá trị sử dụng, kéo tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn thị xã từ 94,6% giảm chỉ còn 60,6%.
Nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022, thị xã Nghĩa Lộ sẽ tổ chức các hoạt động tết Trung thu và "Lễ hội rước đèn Trung Thu" cùng Chương trình nghệ thuật “Đêm trăng của em” lần thứ II - năm 2022 vào lúc 19h30' ngày 10/9/2022 (tức 15/8 Âm lịch).
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải có lối thoát nạn thứ 2.
“Thiếu nhi Việt Nam - Làm nghìn việc tốt, Tiến bước lên Đoàn” là chủ đề công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2022-2023 do Hội đồng Đội Trung ương phát động.