Tăng 1,5 triệu lao động có việc làm
Năm 2022, ngành LĐTB&XH đã tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương.
Theo đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng gần 1% so với năm 2021, lao động có việc làm tăng 1,5 triệu người, thu nhập bình quân tháng của lao động tăng gần 1 triệu đồng. Trong năm, ngành cũng đưa gần 143 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ngành cũng đã hỗ trợ trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động, các đối tượng yếu thế và gần 69 triệu lượt người lao động với tổng kinh phí trên 104 nghìn tỷ đồng; xuất gần 25 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho hơn 1,6 triệu người; trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người có công với cách mạng.
Công tác giảm nghèo tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,2% so với cuối năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%...
Yên Bái năm 2022 giải quyết việc làm cho 22.346 lao động
Tại tỉnh Yên Bái, năm 2022 đã giải quyết việc làm cho 22.346 lao động, đạt 114,6% kế hoạch, tăng 0,9% so với năm 2021. Toàn tỉnh đã giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho 3.820 người với tổng số tiền 58,5 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 15 người với tổng số tiền 90 triệu đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.740 lao động. Tỉnh đã thẩm định, giải quyết chế độ chính sách cho 6.399 lượt trường hợp; trao tặng 48.180 suất quà vào các dịp lễ, tết với tổng kinh phí 13 tỷ đồng.
Năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận, thẩm định và giải quyết 10.519 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Đến cuối năm, toàn tỉnh hiện có 31.613 đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) đang được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng; 100% đối tượng BTXH được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định với kinh phí chi trả ước đạt 185,34 tỷ đồng. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,15%, hộ cận nghèo 2,39% so với năm 2021…
Với phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, năm 2023, toàn ngành LĐTB&XH tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ với 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Các đơn vị, địa phương tiếp tục thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, đầy đủ, phù hợp với các cam kết quốc tế, vận hành linh hoạt nhằm kết nối cung - cầu lao động, huy động và sử dụng hiệu quả nhân lực. Tiếp tục đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em…
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực của ngành LĐTB&XH đạt được. Xác định năm 2023 là năm hết sức khó khăn gây ảnh hưởng đến thị trường lao động, Thủ tướng yêu cầu ngành LĐTB&XH tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Duy trì ổn định thị trường lao động nước ngoài hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương. Thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, điều dưỡng luân phiên người có công với cách mạng.
Thủ tướng đề nghị xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ, phù hợp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục; tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động.
Ngành LĐTB&XH và các ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Hồng Duyên