Khởi sắc phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
- Cập nhật: Thứ ba, 2/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là một tỉnh miền núi, Yên Bái có nhiều dân tộc anh em chung sống. Bản sắc văn hoá các dân tộc phong phú, đa dạng và bên cạnh phong tục, tập quán tốt cũng còn những bất cập không phù hợp với nếp sống văn hoá mới. Tuy vậy, phong trào thi đua xây dựng bản làng, gia đình, cơ quan trường học có đời sống văn hoá đã và đang khắc phục dần những tồn tại ấy.
Nhà văn hóa phố Hồng Phú (phường Hồng Hà, TP Yên Bái) vừa được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
|
Trong tiết trời se lạnh của một ngày cuối năm, chúng tôi đến khu phố 8 thị trấn Thác Bà (Yên Bình) để tìm hiểu về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Cảm nhận đầu tiên là khu phố mang đầy đủ những nét đặc trưng của một thị trấn miền núi. Nằm dọc theo đường vào Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, nhà cửa các hộ dân nơi đây được xây dựng khang trang. Các con đường trong khu phố đều được trải nhựa và bê tông, vệ sinh và cảnh quan môi trường sạch đẹp. Ông Đỗ Văn Ngọc - Trưởng khu phố cho biết: "Khu phố 8 có 203 hộ với 775 nhân khẩu, trước đây khu phố vẫn còn nhiều mặt yếu kém, nhiều hộ gia đình còn khó khăn, an ninh trật tự chưa đảm bảo, các tổ chức đoàn thể hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả.
Trước tình hình đó, đầu năm 2000 chi bộ Đảng khu phố đã có nghị quyết chỉ đạo và vận động nhân dân hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Ông Ngọc đã cùng các thành viên trong Hội đồng xây dựng khu phố văn hoá tích cực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ từ vận động nhân dân xây dựng và thực hiện tốt quy ước văn hoá, giúp đỡ các gia đình khó khăn phát triển kinh tế để thoát nghèo đến củng cố và duy trì tốt công tác an ninh trật tự, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện; định kỳ tổ chức cho toàn khu phố làm vệ sinh môi trường; đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể thao…Đến nay, 100% gia đình trong khu phố có đời sống kinh tế ổn định. Nhiều gia đình vươn lên mức sống khá do biết kết hợp trồng trọt, chăn nuôi và làm dịch vụ. An ninh trật tự luôn được giữ vững, không còn người mắc tệ nạn xã hội, hàng năm tỷ lệ gia đình văn hoá đều đạt trên 80%.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin cho biết: "Nhận thức rõ gia đình là tế bào của xã hội, là nơi giáo dục bồi dưỡng hình thành nhân cách, tài năng của mỗi con người, đặc biệt là thanh thiếu niên, những người chủ nhân tương lai của đất nước; hàng năm, ban chỉ đạo các cấp đã triển khai hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân học tập tiêu chuẩn và đăng ký xây dựng gia đình văn hoá. Nội dung xây dựng gia đình văn hoá tập trung vào việc phát triển kinh tế gia đình; làm cho mỗi công dân biết cách ứng xử, giao tiếp có văn hoá trong môi trường gia đình cũng như ngoài xã hội thông qua việc xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; giữ gìn thuần phong mỹ tục, kế thừa và phát triển những tinh hoa của dân tộc, đoàn kết giúp đỡ nhau…".
Vì vậy, hàng năm số gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá trong toàn tỉnh ngày một tăng. Đến nay có 136.269/ 157.975 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá (đạt 86,3% tổng số hộ toàn tỉnh), qua bình xét có 127.200 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn (đạt 80,5%, tăng 1,5% so với năm 2005). Một số huyện, thị có tỷ lệ gia đình văn hoá cao là Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bình.
Nổi bật nhất ở các làng, bản, khu phố văn hoá là phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; phát triển và nâng cao chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng; xây dựng quỹ khuyến học; đặc biệt là chủ trương xã hội hoá hoạt động văn hoá thông tin. Công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá ở các làng, bản, khu phố văn hoá được ban chỉ đạo tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân cùng thực hiện, nhờ đó mà cơ sở vật chất như: điện, đường, trường, trạm, nhà văn hoá, các điểm vui chơi giải trí ngày một tăng về số lượng cũng như chất lượng. Đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân ở các bản, khu phố văn hoá được nâng cao. Đến nay toàn tỉnh đã có 1.148/2.338 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hoá (đạt 49,1%) trong đó có 955 làng, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, nhiều nơi vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn xây dựng làng, bản, xã, phường văn hoá như: Zế Xu Phình, Púng Luông, Lao Chải (Mù Cang Chải) Hát Lừu, Pá Lau (Trạm Tấu). Những nơi này trước kia trình độ người dân còn thấp, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu nhưng khi có chủ trương của Nhà nước, sự động viên giúp đỡ của các cấp uỷ, chính quyền, đồng bào đã nhận thức được đây là phong trào có nhiều ý nghĩa tốt đẹp, loại bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu hình thành nên nếp sống văn minh. Năm 2006 có 114 làng, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá. Việc xây dựng nhà văn hoá ở các thôn, bản, tổ dân phố cũng được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, đã có 105 nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố được xây dựng, nâng tổng số nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố toàn tỉnh lên 852 nhà với tổng kinh phí xây dựng trên 15 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 80% còn lại là hỗ trợ của Nhà nước. 100% các làng, bản, khu phố văn hóa đều là những khu dân cư tiên tiến. Ở đó các tệ nạn xã hội đã giảm cơ bản, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm dưới mức bình quân chung toàn tỉnh.
Những nỗ lực và những kết quả đạt được trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở Yên Bái những năm qua đã tạo tiền đề cho phát triển sự nghiệp văn hoá, xây dựng nên những vùng du lịch văn hóa khá hấp dẫn. Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, bản làng văn hoá ở Yên Bái bước đầu góp phần đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân các dân tộc, giữ gìn và phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ thực hiện CNH- HĐH đất nước, xây dựng Yên Bái ngày một giàu đẹp.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Ông Phùng Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết: “Từ kinh nghiệm của năm 2005, công tác xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã năm 2006 được thực hiện bài bản và chặt chẽ hơn. Như vậy, chất lượng các xã đạt chuẩn cũng cao hơn. Theo đánh giá sẽ có 30 xã tiếp tục đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 61 xã”.
YBĐT - Những năm gần đây, công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực từ quy mô trường lớp đến chất lượng giáo dục. Năm học 2006 - 2007, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát động.
YBĐT - Ngày 29/9/2005, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái đã ra lời kêu gọi cứu trợ ủng hộ các nạn nhân, thiên tai do lũ quét, sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Nội dung như sau: