Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường cao đẳng, trung cấp công lập trong tỉnh đều có một số ngành nghề được lựa chọn đầu tư để phấn đấu đạt chuẩn cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp quốc tế.
Tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương để chi hỗ trợ đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất cho dạy nghề; trong đó, giai đoạn 2020 – 2022 gần 334,5 tỷ đồng.
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Nhiều lao động sau khi học nghề được giới thiệu và đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, một số đã tham gia xuất khẩu lao động.
Giai đoạn 2020 – 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề gần 61 nghìn người với trên 11 nghìn lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề, đạt 87,2% so với tổng số lao động nông thôn được đào tạo.
Ngoài ra, giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh và chính sách hỗ trợ học nghề sau THCS, THPT được thực hiện tốt, đã thu hút nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề.
Đào tạo nghề đã góp phần đáp ứng cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Yên Bái đã đưa trên 760 lượt người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông và châu Âu… Thu nhập của lao động đi làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, từ 8 đến 40 triệu đồng/tháng đối với các thị trường lao động khác nhau.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng như: nhận thức của một bộ phận người dân, người lao động về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; quy mô tuyển sinh; tính ổn định bền vững trong việc làm và hiệu quả tạo việc làm chưa cao,… Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm làm tốt công tác đào tạo nghề trong thời gian tới.
Đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động và của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng lao động.
Đồng chí yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác đào tạo nghề; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; triển khai các giải pháp tăng quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở sở giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ dạy nghề từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ học nghề của trung ương, của tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, xuất khẩu lao động...
Thu Hiền