Sự đổi thay đó thể hiện ở 100% tuyến đường trục thôn, nội thôn, ngõ xóm đã được bê tông hóa đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Đó còn là những ngôi nhà khang trang, kiên cố ngày càng phổ biến thay thế toàn bộ cho những căn nhà tạm, nhà dột nát.
Đó còn là nhà văn hóa thôn đã được xây dựng kiên cố, có diện tích 120 m2, 150 chỗ ngồi thay thế cho nhà văn hoá cũ đã xuống cấp, chật hẹp; sân thể thao rộng tới 3.000 m2 với đủ các dụng cụ thể thao cần thiết, góp phần đưa phong trào thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ ngày càng phát triển. Đời sống nhân dân trong thôn được nâng cao, kinh tế chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm mạnh chỉ còn 0,44%; thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 52,2 triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Văn Kửu - Trưởng thôn Ba Khe cho biết: Trong quá trình xây dựng thôn NTM, thôn gặp một số khó khăn như: lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện; nhân dân còn băn khoăn, đắn đo chưa mạnh dạn tham gia nhiệt tình. Xác định những khó khăn ấy, Ban Phát triển thôn đã tăng cường công tác tuyên truyền để các hộ trong thôn thấy được lợi ích thiết thực trong việc xây dựng NTM.
"Trên các cụm loa của thôn thường xuyên biểu dương gương điển hình trong việc hiến đất, góp sức xây dựng NTM. Trước mỗi công trình, phần việc cần huy động sự tham gia, đóng góp của nhân dân, Ban đều có kế hoạch cụ thể, công khai minh bạch các khoản đóng góp sau đó mới vận động các hộ kinh doanh, đảng viên và nhân dân tại thôn tham gia đóng góp… Nhờ đó, trong 6,56 tỷ đồng đã huy động đầu tư cho NTM có tới 2,2 tỷ đồng là do người dân trong thôn đóng góp” - ông Kửu cho hay.
Không chỉ ở thôn Ba Khe, các thôn Hùng Thịnh, Khe Ba, Văn Hưng, Văn Hòa cũng có diện mạo tương tự nhờ NTM, biến một vùng quê thuần nông nghèo nàn, lạc hậu nay đã trở thành bức tranh tươi sáng đầy màu sắc. Các thôn vùng cao như: Pín Pé, Làng Ca, Khe Kẹn, Ba Chum, Làng Lao, Đồng Hẻo cũng có những đổi thay trông thấy, nhất là về đường giao thông, hệ thống điện - niềm mong mỏi thiết thực của mỗi người dân vùng cao.
Riêng năm 2023, xã Cát Thịnh đã bê tông hoá được 13,5 km đường giao thông nông thôn; mở mới 0,8 km đường theo Chương trình 135 tại thôn Pín Pé. Xã cũng đã phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng 6 trạm biến áp và đường điện đến các thôn vùng cao Làng Ca, Pín Pé, Khe Kẹn, Ba Chum. Việc ưu tiên, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Nhờ đó, đến nay, Cát Thịnh đã đạt 11/19 tiêu chí NTM, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM vào năm 2025.
Ông Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết: "Để đạt được mục tiêu đó, xã rất mong sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện cho các thôn vùng cao xây dựng nhà văn hoá thôn, vì nếu để nhân dân tự đầu tư thì rất khó thực hiện. Ngoài ra, một trong những tiêu chí khó thực hiện của xã là tiêu chí môi trường, rất cần sự quan tâm, lãnh chỉ đạo về quy hoạch khu vực xử lý rác thải tập trung cho xã. Hiện nay, nhân dân khu vực tập trung đông dân cư tại xã không có chỗ để xử lý rác thải, thường
đổ ra khe, ra suối, ra ven đường … gây ảnh hưởng đến môi trường. Xã đã và đang vận động nhân dân các thôn có quỹ đất rộng tự phân loại rác, tự xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình, tuy nhiên đối với các hộ khu trung tâm đông dân cư không có quỹ đất riêng để tự xử lý cần phải có mô hình xử lý rác thải tập trung”.
Sự thay đổi tích cực trong diện mạo, sức sống của xã Cát Thịnh đang ngày càng hiện hữu rõ nét. Đây sẽ là động lực, niềm tin để cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân trong xã tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí NTM, đưa Cát Thịnh sớm về đích.
Hoài Anh