Thưởng Tết Ất Tỵ tăng 13%

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/1/2025 | 1:56:12 PM

Tiền lương năm 2024 và thưởng Tết Ất Tỵ tăng lần lượt 4% và 13% so với cùng kỳ, theo Công đoàn Việt Nam.

Công nhân May 10 (Hà Nội) nhận lì xì ngày trở lại làm việc đầu xuân Giáp Thìn, tháng 2/2024. Ảnh: Ngọc Thành
Công nhân May 10 (Hà Nội) nhận lì xì ngày trở lại làm việc đầu xuân Giáp Thìn, tháng 2/2024. Ảnh: Ngọc Thành

Trong báo cáo chăm lo cho lao động trước Tết nguyên đán, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tiền thưởng Tết Ất Tỵ bình quân 7,72 triệu đồng, tăng 13% so với Tết Giáp Thìn. Trong đó công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ thưởng bình quân 7,66 triệu đồng; doanh nghiệp dân doanh 6,76 triệu và khối FDI 8,24 triệu đồng.

Tiền lương năm 2024 cũng tăng 4% so với năm 2023, đạt mức bình quân 8,88 triệu đồng. Lao động Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ đạt mức lương bình quân trên 10,9 triệu đồng, tiếp đến khối FDI 9,28 triệu và khu vực dân doanh 8,1 triệu đồng mỗi tháng.

Công đoàn Việt Nam ghi nhận năm qua cả nước xảy ra 76 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 18 cuộc so với cùng kỳ năm 2023. Gần 58% các cuộc ngừng việc tập thể ở khu vực FDI tại các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trước Tết nguyên đán, cả nước xảy ra 7 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 5 tỉnh thành, giảm 8 cuộc so với cùng kỳ năm trước. 6/7 cuộc xảy ra tại doanh nghiệp nghiệp FDI Trung Quốc, Hàn Quốc, chủ yếu do lao động không đồng tình mức thưởng Tết cũng như thay đổi cách tính lương, thưởng. Công đoàn đã cùng ban ngành phối hợp giải quyết để ổn định quan hệ lao động. Qua đối thoại, thương lượng, toàn bộ hoặc một phần bất đồng đã được giải quyết để người lao động trở lại làm việc bình thường.

Dịp Tết 2025, Tổng liên đoàn chi chăm lo cho lao động với tổng kinh phí hơn 4.700 tỷ đồng, trong đó nguồn tài chính công đoàn hơn 3.054 tỷ đồng, gần 1.700 tỷ còn lại từ nguồn xã hội hóa. Sau Tết, một số công đoàn cơ sở sẽ cùng chủ sử dụng tổ chức các chuyến xe đưa lao động trở lại nơi làm việc.

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Những ngày cuối năm, khắp các làng hoa, nhà vườn đều rộn ràng không khí chuẩn bị cho mùa tết. Mùa vụ hoa tết không chỉ là cơ hội để nông dân tăng thu nhập mà còn là dịp để họ gửi gắm niềm tin, hy vọng vào một năm mới ấm áp và đủ đầy. Trong sắc hoa rực rỡ ngày tết là sự cần cù và hy vọng của những người gắn bó với đất và hoa.

Năm 2024, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn

Lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.

Đã trở thành nét đẹp truyền thống, mỗi độ Tết đến, Xuân về, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng chung tay hướng về người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người chịu thiệt hại do thiên tai với tinh thần trách nhiệm, sẻ chia để mỗi người, mỗi nhà trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều có cái Tết ấm cúng, hạnh phúc hơn!

Lãnh đạo xã Tân Hương thăm, động viên các hộ gia đình tại Khu tái định cư thôn Khuôn Giỏ nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Không khí xuân lan tỏa khắp khắp mọi miền cũng là thời điểm những ngôi nhà mới của các hộ dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 (YAGI) hoàn thành. Niềm vui, hạnh phúc của các gia đình càng được nhân lên khi được đón tết trong những ngôi nhà được xây dựng từ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp, các nhà hảo tâm và sự nỗ lực của chính các hộ dân chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai. An cư trong những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình sẽ là động lực để các hộ bị ảnh hưởng nặng nề do bão YAGI vươn lên trong cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục