Lục Yên: Vì sao dân chưa nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại do rét đậm rét hại?
- Cập nhật: Thứ năm, 7/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Để giảm bớt khó khăn và giúp người dân khôi phục phát triển sản xuất, Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã có cơ chế chính sách hỗ trợ tiền mua trâu, bò và lúa giống. Chính sách hỗ trợ đã có và tiền cũng đã giải ngân về đến huyện, nhưng cho đến nay các hộ dân bị thiệt hại do rét ở Lục Yên vẫn chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào.
888 con trâu, bò và trên 62 tấn lúa giống cùng hàng chục ha lúa bị chết trong đợt rét đậm hồi đầu năm 2008.
|
Đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008, toàn huyện Lục Yên chết 888 con trâu, bò và trên 62 tấn lúa giống cùng hàng chục ha lúa bị chết rét, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Huyện đã cố gắng huy động mọi nguồn lực, vận động nhân dân khôi phục lại sản xuất. Những diện tích lúa, mạ vụ xuân bị chết đã tiến hành gieo cấy lại đảm bảo diện tích, lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt. Một vụ lúa xuân đầy sóng gió đã qua đi, dẫu vẫn được đánh giá là thắng lợi nhưng những thiệt hại do rét gây ra vẫn còn đè nặng lên vai người nông dân.
Ông Đỗ Đình Chung ở thôn 1, xã Phúc Lợi, có hai con trâu, được coi là tài sản lớn nhất đều bị chết. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, vậy mà đã 6 tháng trôi qua nhưng cái chuồng trâu vẫn trống không. Ông Chung than thở: “Kể từ khi nghe tin Nhà nước hỗ trợ tiền thiệt hại cho các gia đình nông dân có gia súc bị chết do đợt rét đầu năm, chúng tôi phấn khởi lắm. Nhưng chờ mãi mà chẳng thấy tiền đâu. Gia đình muốn mua trâu để phục vụ sản xuất nhưng không có tiền. Vay tiền để mua không biết vay ở đâu? Vay ngân hàng lãi cao như bây giờ chăn nuôi bao giờ mới trả được vốn?".
"Trong khi giá một con trâu chưa vực bừa bây giờ rẻ cũng trên 6 triệu đồng, trâu trưởng thành cũng khoảng 10 triệu đồng- một số tiền quá lớn với người nông dân. Giá như nhận được tiền hỗ trợ ngay từ đầu năm thì tôi cố gắng còn có thể mua được con nghé, chứ giá cả ngày một tăng như hiện nay mua sao nổi? Vụ mùa vừa rồi tôi phải mượn trâu của thằng cháu về cày, bừa. Làm nghề nông không có trâu cày kéo thì bí lắm, cứ mượn mãi sao được!” - Ông Chung cho biết.
Qua tìm hiểu, được biết đến thời điểm cuối tháng 7, không riêng gì ông Chung mà hầu hết các hộ có trâu, bò chết rét vẫn chưa nhận được một đồng tiền hỗ trợ nào. Ông Triệu Trung Phúc - Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi cho biết: “Đợt rét hại vừa qua, xã bị chết 77 con trâu, bò, phần lớn rơi vào hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ngay sau khi có thông tin về hỗ trợ tiền, chúng tôi đã lập danh sách gửi lên huyện từ đầu tháng 3. Nhưng đến cuối tháng 7, xã vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Việc chậm trễ trong việc hỗ trợ tiền, phần nào đã ảnh hưởng đến phát triển đàn đại gia súc và nguy hại hơn là ảnh hưởng đến sức kéo cho sản xuất”.
Tiền hỗ trợ trâu bò đã chậm, tiền hỗ trợ thóc giống còn chậm hơn. Đến thời điểm vụ mùa cơ bản đã gieo cấy xong, nhưng 100% số hộ bị thiệt hại về lúa, mạ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ - ông Hoàng Trọng Tuyên-Chủ tịch UBND xã Trúc Lâu cho biết như vậy.
Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này, chúng tôi đã gặp và trao đổi với ông Hoàng Văn Thon - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) huyện Lục Yên. Ông Thon lý giải: Ngay sau khi có quyết định của tỉnh, phòng đã yêu cầu các xã gửi hồ sơ thống kê thiệt hại về trước ngày 10/3 và đến ngày 15/3 cơ bản đã hoàn thành. Theo thống kê của các xã gửi về thì tổng số tiền được hỗ trợ là 62.500kg giống, trong đó giống lúa lai 34.500 kg, lúa thuần 28.000 kg và 888 con trâu, bò.
Tuy nhiên, tiền hỗ trợ giống cây trồng yêu cầu rất chặt chẽ nên chúng tôi đang gặp phải vướng mắc. Đó là khi lập hồ sơ thanh toán tiền hỗ trợ yêu cầu phải có đầy đủ hoá đơn bán hàng của các cơ sở kinh doanh giống, mới bảo đảm cơ sở pháp lý.
Thực tế, đối với người dân khi đi mua giống tại các điểm bán lẻ, đa số đều không có hoá đơn bán hàng của đơn vị kinh doanh giống. Nếu xét theo quy định này thì toàn huyện Lục Yên chỉ có 13.148 kg lúa lai và trên 4 tấn lúa thuần có hoá đơn bán lẻ. Số này chủ yếu là do các tổ chức tập thể đi mua giống ở các đơn vị đứng ra cung ứng cho nhân dân, còn số các hộ trực tiếp đi mua đa phần không có hoá đơn thanh toán. Đây là một trong những lý do khiến tiền hỗ trợ chậm đến tay người dân. Tiền hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh đã về đến huyện nhưng đã hơn một tháng nay vẫn nằm trong két. Tiền hỗ trợ giống lúa cho rằng rất chặt chẽ, nhưng tiền hỗ trợ trâu bò thì sao cho đến nay người dân vẫn chưa nhận được?
Rời Phòng NN&PTNT huyện, chúng tôi đến xã Minh Xuân và được ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó chủ tịch UBND xã thông tin: đợt rét đậm, rét hại đầu năm làm toàn xã thiệt hại 18 con trâu, 1.833kg lúa lai và 3.500kg lúa thuần và 100% người dân mua giống lúa về khôi phục sản xuất không có hoá đơn thanh toán. Như vậy, cứ theo quy định thì không biết đến bao giờ người dân mới “đủ điều kiện” để nhận tiền hỗ trợ đây?
Huyện Lục Yên cần giải quyết ngay những vướng mắc trên, để tiền hỗ trợ nhanh chóng đến với bà con, giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, tránh gây mất niềm tin của người dân vào việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước.
Văn Thông
Các tin khác
Để thực hiện được vấn đề này, vai trò của các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp XKLĐ và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có ý nghĩa trò rất quan trọng.
Hồi 4 giờ ngày 7/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,4 độ vĩ bắc; 109,6 độ kinh đông, trên khu vực phía Tây bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8.
YBĐT - Thực hiện Quyết định số 38/2008/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Yên Bái đã quyết định năm học 2008 – 2009, học sinh trong tỉnh tựu trường vào ngày 21/8/2008, ngày khai giảng năm học mới là 5/9/2008 và ngày kết thúc năm học là 30/5/2009.
YB§T - Chuẩn bị cho năm học mới 2008 – 2009, Công ty cổ phần Sách thiết bị trường học Yên Bái đã chuẩn bị 1,3 triệu bản sách giáo khoa với trị giá gần 9 tỷ đồng để cung ứng cho thị trường.