Ẩn hoạ lũ

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mặc dù thuộc diện di dời khẩn cấp khỏi vùng lũ quét nguy hiểm nhưng đã vào mùa mưa bão năm nay mà nhiều hộ dân ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn chưa chuyển đến được khu quy hoạch mới và đang phải từng ngày đối mặt với những trận lũ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Khu qui hoạch mới trên địa bàn phường Pú Trạng thuộc Dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng lũ quét chưa có hộ dân nào chuyển đến.
Khu qui hoạch mới trên địa bàn phường Pú Trạng thuộc Dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng lũ quét chưa có hộ dân nào chuyển đến.

Mùa mưa lũ đã đến nhưng hộ ông Nguyễn Văn Hải ở tổ 22 phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) mới bắt đầu đào móng xây nhà ở khu quy hoạch mới của Dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng lũ quét nguy hiểm. Ông Hải cho biết: " Mãi đến đầu tháng 5 năm 2008 gia đình tôi mới được bốc thăm lô đất, do thời gian cận kề mùa mưa và kinh tế gia đình khó khăn nên chắt chiu mãi mới đủ tiền làm móng nhà, còn việc hoàn thành ngôi nhà thì không biết đến bao giờ". Vậy là gia đình ông lại phải đối mặt với một mùa mưa lũ nữa.

Gia đình ông Hải là một trong những hộ nằm ở vùng lũ nguy hiểm nhất của phường Pú Trạng, cách bờ suối Lung khoảng 4m. Đến giờ ông vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những đợt lũ lịch sử  của cơn bão số 7 năm 2005 và cơn bão số 5 năm 2007: nước dâng lên gần mái nhà, chảy xiết cuốn trôi đồ đạc, tài sản. Vì vậy, gia đình ông Hải nhà cửa cũng không dám sửa chữa lại, chuồng trại bỏ không, chiếc xe trâu cũng nằm im ở góc vườn bởi trâu thì đã trôi cùng cơn bão số 5/2007. 

Năm 2007, thị xã Nghĩa Lộ có 4 xã, phường được hưởng Dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng lũ quét nguy hiểm. Trong đó, dự án của phường Pú Trạng có 26 hộ  và xã Nghĩa Lợi gồm 37 hộ được phê duyệt thực hiện trước. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư và Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng công trình thuỷ lợi Yên Bái quản lý. Dự án khởi công xây dựng vào tháng 11 năm 2007, đến quý I/2008 đã cơ bản hoàn thành. Nhưng đến thời điểm trung tuần tháng 8 năm 2008, phường Pú Trạng chưa có hộ nào chuyển đến nơi quy hoạch; xã Nghĩa Lợi cũng còn hơn 10 hộ vẫn chưa di dời khỏi vùng lũ quét nguy hiểm mà lý do chung là người dân không có điều kiện để di dời nhà.

Nhà ông Điêu Văn Mẳn ở bản Sang Hán- xã Nghĩa Lợi sát với bờ suối Thia, thềm sau của ngôi nhà đã bị các cơn lũ trước khoét sâu vào cách nhà chỉ còn 3 mét. Mùa mưa lũ năm nay ông rất lo lắng, nhưng do hoàn cảnh khó khăn: nhà có 950m2 ruộng thì đợt lũ cơn bão số 5/2007 đã cuốn trôi 250 m2, 5 khẩu ăn chỉ còn trông chờ vào 700 m2 ruộng và công đi làm thuê hàng ngày của ông và con trai. Bây giờ chuyển nhà cũng phải mất chục triệu đồng trong khi đó số tiền hỗ trợ của Dự án chỉ có 2 triệu đồng/hộ mà theo cơ chế thì phải hoàn thành dự án mới được nhận tiền. Do không vay mượn được tiền nên dù lo lắng nhưng gia đình ông đành chấp nhận đối mặt với lũ. Nhìn ngôi nhà vách đã thủng do nhiều lần ngập trong nước, ông Mẳn buồn rầu nói: "Có khi cũng phải vay tiền ngân hàng để di dời sớm ngày nào tốt ngày ấy".

Sau thiệt hại nặng nề do cơn bão số 7 năm 2005 xã Nghĩa Lợi cũng đã nhanh chóng di dân được 15 hộ thuộc vùng lũ quét nguy hiểm đến địa điểm an toàn mà sau này thuộc khu quy hoạch của dự án. Mới đây nhất là di dời được thêm 5 hộ nữa. Bà con dân bản tự đặt cho khu quy hoạch này là bản Sang Mới.  Do chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão số 7/2005 và cơn bão số 5/2007, đời sống của các hộ gặp nhiều khó khăn nhưng hơn một năm chuyển về nơi ở mới các hộ dân này cũng chưa nhận được số tiền hỗ trợ của dự án. Và rồi, khi họ vừa thoát khỏi vùng lũ thì lại rơi vào vùng khát nước. Bà Lò Thị Mẳn đã ở cái tuổi 60, lại sống một mình, mỗi ngày để có nước nấu ăn bà phải đi xin gần cây số. Trong căn nhà tuềnh toàng của bà: ấm chén  bỏ không, nấu nướng, rửa bát bà đều phải tiết kiệm nước.

Không riêng gì gia đình bà mà cả bản đã quen rồi với tình trạng không có nước sạch sinh hoạt. Mỗi nhà đều có một, hai cái xô hoặc can để đi xin nước ăn ở một cái giếng bé đầy rêu và không biết nước có đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh hay không? Còn mọi sinh hoạt khác như tắm rửa, giặt giũ đều ra suối. Ông Lò Minh Tâm - Chủ tich UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: "Trong thiết kế khu quy hoạch có hệ thống cấp nước sạch nhưng không hiểu vì sao đã một thời gian hoàn thành và di chuyển các hộ về sinh sống mà khu quy hoạch vẫn chưa được xây dựng hệ thống cấp nước. Đời sống của 20 hộ đã về khu quy hoạch rất khổ vì thiếu nước, đây cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho việc vận động một số hộ về nơi quy hoạch bởi "nước là sự sống".

Dự án di dân khỏi vùng lũ quét nguy hiểm trị giá hàng tỷ đồng của Nhà nước liên quan trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hàng chục hộ dân, khi dự án đi vào thực hiện sẽ đáp ứng được nguyện vọng và động viên kịp thời người dân trong vùng lũ quét. Tuy nhiên, dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả do sự bàn giao chậm trễ và thiếu một số hạng mục thiết yếu như hệ thống cấp nước sạch ở khu quy hoạch xã Nghĩa Lợi. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ của dự án chưa linh hoạt, chưa kịp thời và số tiền hỗ trợ quá thấp.

Mới vào đầu mùa mưa bão, chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4, đường vào nhà ông Nguyễn Văn Bổng- tổ 22 phường Pú Trạng nước đã ngập, nhiều vùng nguy hiểm tiếp tục bị sạt lở. Nhiều hộ dân khác đợi tiền hỗ trợ, gỗ làm nhà vẫn để ngổn ngang mặc cho mưa gió bào mòn. Nhiều hộ cũng đã dự tính đến việc vay tiền ngân hàng để di dời nhà nhưng ngân hàng cũng chưa giải ngân.

Hiện nay gần 40 hộ dân với hơn 150 người của phường Pú Trạng và xã Nghĩa Lợi- thị xã Nghĩa Lộ  đang trực tiếp đối mặt với mùa mưa lũ, ẩn hoạ đang rình rập trước mắt mà người dân chỉ biết đứng nhìn.Thực tế này đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương cần có những biện pháp kịp thời để giúp người dân mau chóng ổn định cuộc sống và chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của mùa mưa lũ năm nay cũng như những năm tiếp theo.

T.H

Các tin khác

YBĐT - Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, mưa lớn kéo dài khiến nước sông Hồng dâng cao, gây ngập lụt trên 4.000 hộ dân ở địa bàn 18 xã trong huyện Trấn Yên (Yên Bái). Xác định công tác xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh là hết sức quan trọng nên ngay sau khi nước rút, huyện yêu cầu lãnh đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác này.

YBĐT - Hôm nay - 21/8, 176.815 học sinh phổ thông, mầm non tỉnh Yên Bái tựu trường bước vào năm học 2008 - 2009. Trong đó có 37.186 cháu nhà trẻ mẫu giáo, 140.129 học sinh phổ thông.

YBĐT - Xác định công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, trong những năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã tích cực phối kết hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL tới tổ chức hội phụ nữ cơ sở và hội viên, qua đó không ngừng trang bị và nâng cao hiểu biết về kiến thức pháp luật cho chị em.

Thanh niên tình nguyện tham gia dọn vệ sinh đường phố.

Đã một tuần kể từ khi cơn lũ đi qua, nỗi đau tang tóc, nỗi đau mất nhà cửa, ruộng nương, gia súc, gia cầm... vẫn chưa vơi đi trên những khuôn mặt người dân lam lũ. 41 người xấu số đã mồ yên mả đẹp về cõi vĩnh hằng, nhưng hàng ngàn hộ dân Văn Yên, thành phố Yên Bái, Lục Yên, Yên Bình... vẫn đang phải đối mặt với thiếu nhà ở, lương thực, nước uống, vệ sinh môi trường và chưa thể ổn định cuộc sống trong ngày một, ngày hai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục